Vậy làm thế nào để giữ cho mình được tỉnh táo và thoát khỏi tâm lý đám đông? Hãy tham khảo một số lưu ý sau đây nhé.
Kiềm chế cảm xúc
Tâm lý đám đông là xu hướng hành vi hoặc niềm tin của một người dễ bị tác động bởi đội nhóm mà họ thuộc về. Sự tác động đó lớn tới mức cá nhân đó có thể “đánh mất bản thân” dẫn đến không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình. Để không bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của tâm lý đám đông, điều đầu tiên bạn cần làm là học cách kiềm chế, biết cách điều khiển cảm xúc của mình. Hãy rèn luyện từng chút một, dù bạn đứng trước một vấn đề nhỏ hay lớn, bạn hãy bình tĩnh trong giây lát, ngừng những việc đang làm, hít thở thật sâu và tập trung vào các giác quan, thư giãn... kiềm chế cảm xúc của mình để tỉnh táo tránh bị “cuốn trôi” đi theo đám đông.
Chủ động tách khỏi đám đông
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó chứ không phải bản chất ý kiến đó như thế nào. Chính vì vậy, mộttrong những cách tốt nhất để luôn tỉnh táo trước đám đông chính là tách khỏi đám đông. Đứng ngoài đám đông để suy nghĩ một cách độc lập, bạn sẽ không bị đám đông tác động. Và khi đó, bạn sẽ có thêm thời gian lấy lại sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách thấu triệt hơn.
Xây dựng “bộ lọc” thông tin và chủ động lựa chọn tách khỏi đám đông là cách giúp bạn nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn. Điều đó không có nghĩa bạn tách biệt khỏi đám đông mà có nghĩa, trước bất kỳ một “tâm lý đám đông nào” bạn cần có chính kiến của mình. Đứng trước bất kỳ sự lựa chọn nào bạn hãy suy nghĩ, phân tích cụ thể để đưa ra ý kiến nhất định, để thấy bạn có lý do của riêng mình chứ không phải bị dẫn dắt theo sự lựa chọn của tập thể
Rèn luyện tư duy phản biện
Nếu đi theo đám đông, càng đòi hỏi bạn phải sáng suốt, tỉnh táo. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng trang việc làm Careerlink.vn chia sẻ, nếu đó là đám đông “lạc lối”, họ sẽ khiến bạn thất bạn cùng. Vì vậy, rèn luyện tư duy phản biện chính là cách để bạn luôn tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Cùng với tư duy phản biện, bạn cũng sẽ dễ tìm ra những “lỗ hổng”, từ đó tỉnh táo để nhìn nhận và đánh giá vấn đề.
Hãy luôn tự đặt câu hỏi về những vấn đề xung quanh bạn, chú tâm đến chính bạn hơn là quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác sẽ giúp bạn xác định được phương hướng và có sự lựa chọn phù hợp mà không phụ thuộc vào người xung quanh. Đó là cách giúp bạn tự chủ, thoát khỏi tâm lý đám đông.
Yêu cầu phản hồi/ Đặt câu hỏi
Những người đi theo đám đông thường lạc lối trong chính đám đông đó. Lý do đôi khi bởi họ không biết “yêu cầu phản hồi”. Họ bị nuốt chửng và dễ dàng bị dẫn dắt do không tự chủ được ý kiến, không tự phán đoán và suy luận được vấn đề và im lặng với chính những “thắc mắc” của chính họ. Vì vậy, khi có bất cứ nghi ngờ, băn khoăn hãy luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm sự phản hồi. Đừng vì sợ bị chỉ trích, bị dò xét, nghi ngờ khiến bạn không tìm kiếm phản hồi cho thắc mắc của mình. Những phản hồi lại chính là cách để bạn nhận ra liệu bạn đang đi đúng hướng hay không. Việc yêu cầu phản hồi sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều mà không phụ thuộc vào bất kì đám đông nào. Và đi theo đám đông là do bạn chủ động, quyết định “đi theo” mà không phải bạn đang bị “dắt mũi” kéo đi một cách bị động.
Chủ động trong các vấn đề
Chủ động, quyết đoán trong suy nghĩ và hành động, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm là một trong những kỹ năng quan trọng cần rèn luyện để luôn tỉnh táo thoát khỏi tâm lý đám đông. Sự chủ động này chỉ đến với những người cóniềm tin vào chính mình mà không bị tác động bởi những yếu tố khác. Đây cũng là tố chất lãnh đạo của bạn, bạn vững tin vào bản thân, ít bị đám đông tác động mà ngược lại bạn còn tạo ra những tác động tích cực cho đám đông, khiến họ đi theo bạn.
Tóm lại, đừng vì sợ “cô đơn”, sợ một mình, sợ lạc lõng mà chạy theo số đông rồi đánh mất chính mình. Hãy học cách quản trị cảm xúc, chủ động phản biện, đặt câu hỏi... những điều đó sẽ giúp bạn tỉnh táo và thoát khỏi tâm lý đám đông. Chúc bạn thành công!
Nguyễn Lý