Áo dài là một trong vài từ thuần Việt (như nước mắm, phở, nem…), từ lâu, đã được người nước ngoài sử dụng từ nguyên tiếng Việt, không qua dịch thuật, và trên văn bản, được viết hoa, không dấu: AO DAI. Như thế, áo dài đã trở thành biểu tượng về cái đẹp trong văn hóa mặc của người Việt, được thế giới biết đến, công nhận, ngợi khen, ngưỡng vọng…

Không phải ngẫu nhiên, các hoa hậu Việt Nam, trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, đều chọn áo dài trong màn trình diễn trang phục dân tộc. Và quả thật đẹp mắt, khi những hoa hậu người nước ngoài đến Việt Nam năm 2007, trên bãi biển Nha Trang, đã nhất loạt khoe vẻ đẹp hình thể trong tà áo dài Việt. Vậy nên, đủ lí do lịch sử-thẩm mĩ để cho thấy: đã có một văn hóa mặc áo dài Việt Nam, và không chỉ ở Việt Nam…

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 - Phạm Hương diện áo dài trắng tinh khôi

Gốc tích văn hóa của áo dài Việt Nam

Lần về ngọn nguồn của tà áo dài duyên dáng Việt Nam hôm nay các nhà nghiên cứu văn hóa mặc của Việt Nam cho biết: Từ TK XIX đến 1945, ở miền Trung và miền Nam, cũng như ở một số vùng miền Bắc, người ta đã “bình dân hóa” cái áo dài. Phụ nữ Việt đã mặc áo dài ngay cả khi lao động nặng nhọc: như gánh gồng, cấy lúa, tát nước, gặt hái, chợ búa…
Chính là vùng văn hóa này, về cơ bản, đã sinh ra cái áo tứ thân mớ ba mớ bảy, và đến lượt nó, đã đi vào cả văn chương dân gian lẫn văn chương hiện đại thế kỉ XX. Đặc biệt, nó được lên ngôi trong thơ của các thi sĩ Thơ Mới: Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp. Về sau, cả thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm nữa, cũng đồng thuận yêu cái xống áo đa tình ấy, trong những thi phẩm nổi tiếng: Chân quê, Em đi chùa Hương, và Lá diêu bông…
Vẻ đẹp gốc của những tà áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, vốn là vẻ đẹp chân quê, trước tiên là ở dáng áo dài buông xuôi theo thân người mặc. Áo dài tứ thân, hai lớp, hai vạt trước buông phủ ngoài váy dài đến gót chân, đúng kiểu “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” mà cô thiếu nữ tuổi trăng rằm đã mặc trong “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm, tững đã làm thất lạc hồn vía cậu trai lõng thõng đi theo chị. Áo buông bỏ, may khá rộng, nhưng không buông thõng, mà được thắt khít khao vào lưng ong người mặc, bằng hai dải thắt lưng màu hoa thiên lý và xanh lục.

Nguyễn Bính có bài thơ “Chân quê” lộng lẫy, ca ngợi vẻ đẹp tà áo tứ thân. Cô thiếu nữ thôn quê chỉ đẹp trong mắt người trai quê, khi nàng duyên dáng mặc áo xống quê kiểng ấy. Đến nỗi, cô gái quê rời làng, đi tỉnh, trở về, chỉ thay trang phục tứ thân, với yếm lụa sồi, khăn mỏ quạ, quần nái đen, khăn lưng đũi, bằng trang phục thị thành: khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm…, chàng trai quê đã lập tức than: “em làm khổ tôi”. Tôi, là chàng trai quê ấy, đã phải chịu nhún nhường mà khẩn nài: van em em hãy giữ nguyên quê mùa, xin em cứ mặc như hôm đi lễ chùa, cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh. Rồi chẳng đặng đừng, chàng trai vân vi bóng gió: Hoa chanh nở giữa vườn chanh. Thầy u mình với chúng mình chân quê, để muốn nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: Đất lề quê thói, em tôi đừng dại mà đánh mất vẻ đẹp mộc mạc của xống áo quê mùa. Đừng làm anh cả nghĩ: hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều 

Bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam 

 

“Ngày 22/1/2014 trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự. Nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để xây dựng được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt", nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng tâm sự.

“Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh, sinh viên các trường. Tôi luôn nhấn mạnh với các em học sinh, sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa. Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng bày tỏ.

“Nếu mọi người đồng lòng tập trung, yêu nước, yêu áo dài thì thay vì có những phản ứng để ảnh hưởng đến chính trị, tốt nhất nên làm cho áo dài Việt Nam đẹp hơn, có nhiều bộ sưu tập thời trang áo dài đẹp hơn để quảng bá trong và ngoài nước. Đó là cách để bảo vệ tà áo dài Việt Nam. Làm sao để tà áo dài Việt Nam đẹp hơn, để người dân Việt Nam trong tà áo dài đẹp hơn”, nhà thiết kế thời trang Đỗ Trịnh Hoài Nam có ý kiến.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng khẳng định áo dài Việt Nam hoàn toàn khác với sườn xám của Trung Quốc. Áo dài từ một chiếc áo tứ thân, từ những thiết kế áo dài cổ của ông cha để lại. Sườn xám chỉ là một chiếc váy, còn áo dài có thiết kế quần riêng biệt. Kiểu dáng áo dài hoàn toàn khác với sườn xám, thiết kế và cách may cũng không có điểm nào giống nhau.

“Áo dài mặc lên mềm mại, khác hẳn sườn xám. Kể cả về phong cách, hình ảnh, sự nữ tính, dịu dàng hoàn toàn khác hẳn với sườn xám. Đó là những minh chứng mà mỗi khi chúng tôi mang tà áo dài sang nước ngoài, sang Pháp, sang Italy, Đức, Australia, rất nhiều người nước ngoài đã gọi tên ‘Việt Nam’, gọi ‘áo dài’ như một danh từ riêng mà họ đều biết. Đó là điều khẳng định áo dài Việt Nam đã có trong lòng bạn bè thế giới”, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

Với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, câu chuyện này đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung. Khi thương hiệu được khẳng định, không chỉ khiến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tạo ra được những giá trị kinh tế cho đất nước, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tránh được tình trạng đánh cắp bản quyền.

Hải Anh