ban cuon

Bà Triệu Thị Sỉnh, 73 tuổi, ở Bản Cuôn 2 chia sẻ, giới thiệu về nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống

Thông thường, trang phục của đồng bào Dao đỏ gồm 2 loại, loại trang phục mặc hằng ngày và lễ phục. Trong đó, trang phục của nam giới thì khá đơn giản, đó là những chiếc áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực. Bộ trang phục mặc hằng ngày của phụ nữ cũng khá đơn giản với hai màu chủ đạo là đen và xanh, nhưng với lễ phục thì khác bởi sự cầu kỳ của rất nhiều họa tiết, hoa văn được thêu tỉ mỉ bằng tay. Chiếc áo trong bộ lễ phục được xẻ ngực, nẹp áo thêu, cài bằng khuy bạc, hai bên ngực áo đính những quả bông len có màu đỏ hoặc nhiều màu khác nhau. Cổ áo phía sau đính nhiều chuỗi hạt màu. Hai ống quần được thêu hoa văn từ đầu gối trở xuống. Dây lưng được làm từ hai mảnh vải dài có thêu hoa văn trang trí. Nét nổi bật của bộ lễ phục là màu đỏ, bởi theo quan niệm chung của đồng bào thì đây là màu mang lại nhiều may mắn.

Chia sẻ cùng chúng tôi, bà Triệu Thị Sỉnh, 73 tuổi, ở Bản Cuôn 2 - một trong những người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống cho biết: Ngay từ khi còn khá nhỏ, vào những lúc rảnh rỗi, các em gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy kỹ thuật may vá, thêu thùa. Lớn hơn chút, đến tuổi "cập kê" cũng là khoảng thời gian mà các em gái đã có thể tự hoàn thiện những bộ trang phục truyền thống cho riêng mình. Về tổng thể thì giống nhau, nhưng mỗi bộ trang phục lại có những nét riêng thể hiện sự sáng tạo, tinh tế qua từng đường kim mũi chỉ của người trực tiếp làm ra. Thông thường, để hoàn thành một bộ trang phục truyền thống, người thành thạo cũng phải mất quãng thời gian vài tháng đến khoảng gần 1 năm, với người làm chậm phải mất tầm 2 năm (do phần lớn các công việc chỉ được thực hiện vào những lúc rảnh rỗi).

Quả thật, nếu không được tận mắt ngắm nhìn, không tự tay cầm nắm và không nghe những người am hiểu chia sẻ thì không thể cảm nhận được hết sự độc đáo, cầu kỳ và tinh tế của các hoa văn trang trí do các bàn tay tài hoa tạo ra. Bộ trang phục với những họa tiết độc đáo, màu sắc rực rỡ chính là nơi gửi gắm những tình cảm, ước vọng về cuộc sống tốt lành, sung túc của đồng bào. Nó càng trở nên lộng lẫy, đặc sắc hơn bởi có sự tô điểm của vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, xà tích... bằng bạc, được chạm khắc rất tinh xảo.

Cũng như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng hơn 50 dân tộc cả nước, các giá trị văn hóa của đồng bào Dao đỏ Bản Cuôn vẫn được giữ gìn, tiếp nối. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, không thể tránh khỏi sự xâm lấn, mai một đi các nét văn hóa vốn có. Những năm đổ về đây, phần lớn chỉ mặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ, Tết, cưới hỏi và diễn văn nghệ, còn trong sinh hoạt hằng ngày thì khá ít. Do không thường xuyên mặc trang phục truyền thống và nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay một bộ phận, đặc biệt là các cô gái trẻ không còn thông thạo việc may và thêu trang phục truyền thống.

Với nhận thức nếu như không triển khai các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển các giá trị độc đáo trong trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống, thì trong một tương lai không xa các giá trị này sẽ biến mất. Vì thế, một trong những hoạt động cần thiết là giáo dục thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn, biết trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc mà cha ông đã để lại. Bởi, đó chính là những chủ nhân tương lai nắm giữ, phát huy những giá trị văn hóa đó. Cần khuyến khích cộng đồng mặc trang phục truyền thống và tạo môi trường, cơ hội để họ có phô diễn trang phục với niềm tự hào; về lâu dài, cần nghiên cứu cải tiến chất liệu, màu sắc truyền thống trên cơ sở tôn trọng bản sắc vốn có nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh hoạt của đời sống hiện đại.

Các hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của đồng bào Dao đỏ ở Bản Cuôn đã và đang được các cấp, ngành của tỉnh chú trọng. Tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL, ngày 30/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của đồng bào Dao đỏ ở Bản Cuôn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian. Đây là sự ghi nhận tính độc đáo, nét riêng biệt; là niềm vinh dự không chỉ của các hộ dân tộc Dao đỏ ở Bản Cuôn. Đồng thời, đây cũng là động lực góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao nói chung và Dao đỏ nói riêng./.