Sau đây là những gợi ý về cách viết điểm mạnh, điểm yếu trong CV và những lỗi cần tránh để không bị loại sớm một cách đáng tiếc ngay từ đầu.

Trình bày bố cục hợp lý

Với một mẫu CV đẹp, cách trình bày và bố cục các mục là cần thiết, trong đó vị trí điểm mạnh, điểm yếu khá quan trọng.

Có hai cách viết điểm mạnh, điểm yếu trong CV. Một là viết điểm mạnh xen kẽ vào các phần kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, thành tích…. Nếu viết theo cách này, bạn sẽ trình bày điểm mạnh ở phần quan trọng nhất trong CV, dễ dàng tạo được ấn tượng.

Cách thứ hai là bạn ghi điểm mạnh, điểm yếu thành một mục riêng. Nếu trình bày cách này thì nên đặt ở cuối bản CV.

cv-1-1681707832.jpg
 

Không viết dài dòng lan man

Một trong những tiêu chí khi viết CV đó là đảm bảo tính ngắn gọn và đưa ra luận cứ chứng minh cho luận điểm đó. Viết quá dài dòng dễ gây nhàm chán và làm “rối” CV. Ngoài ra cũng không nên viết dạng liệt kê khô khan.

Chẳng hạn thay vì viết điểm mạnh “3 năm làm việc vị trí Social Media Executive ở công ty truyền thông X” thì có thể viết “3 năm giữ vị trí chuyên viên Social Media Executive chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch marketing, thiết lập thành công các kênh truyền thông, tăng 20% khách hàng tiềm năng so với năm trước đó…”

Tương tự với điểm yếu bạn cũng không nên “gạch đầu dòng” kể lể hết các điểm yếu như nhút nhát, ngại giao tiếp, không giỏi sáng tạo, không thích làm việc nhóm, ngoại ngữ hạn chế… Ngược lại nên viết ngắn gọn 1 - 3 điểm yếu có thể khắc phục được, chẳng hạn như: chưa tự tin thuyết trình trước đám đông; Chưa thành thạo một phần mềm (trong công việc); chưa có nhiều cơ hội thực chiến (về một mảng nào đó trong ngành).

Chọn điểm mạnh liên quan đến vị trí ứng tuyển/ tính chất công việc

Khi viết CV tất cả nội dung nhất định đều liên quan đến công việc và tính chất công việc. Với điểm mạnh cũng không ngoại lệ, ứng viên nên cân nhắc chọn chi tiết liên quan.

Về điểm mạnh trong CV, bạn nên tìm hiểu kỹ tính chất công việc, yêu cầu – tiêu chí tuyển dụng về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, năng khiếu, kinh nghiệm, ngoại ngữ… Chẳng hạn người viết nên chọn 3 điểm mạnh quan trọng nhất để nhấn mạnh các ưu điểm bản thân như về chuyên môn (đã từng tốt nghiệp chuyên ngành, khoa… liên quan công việc), về kinh nghiệm (có 3 năm đảm nhận vị trí này khi làm việc tại công ty X), giỏi nắm bắt xu hướng (làm trong môi trường năng động trẻ trung, năng động, cập nhật tức thời các xu hướng)…

Về điểm yếu, ứng viên cũng nên khéo léo chọn những điểm không bị ảnh hưởng tới công việc nhất. Chẳng hạn, kỹ năng quản lí thời gian chưa tốt; Chưa linh hoạt khi giải quyết vấn đề; Nếu công việc đó ít sử dụng ngoại ngữ thì có thể viết: điểm yếu là không sử dụng tốt ngoại ngữ.

cv-2-1681707832.jpg
 

Chú ý cách dùng từ và tránh các lỗi sai

Điểm mạnh, điểm yếu chỉ là mục nhỏ trong CV nhưng cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Nói đến cách viết điểm mạnh, điểm yếu trong CV bạn nên chú ý đến cách dùng từ ngữ. Lưu ý là khi viết mục điểm mạnh không nên dùng từ ngữ khoa trương. Khi viết điểm yếu nên khéo léo dùng từ giảm nhẹ, tránh các từ nhấn mạnh.

Ngoài ra cũng nên kiểm tra các lỗi chính tả, lặp từ, cấu trúc câu… vì nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đây để đánh giá phần nào về năng lực và tính cách. Những lỗi tưởng chừng nhỏ nhưng cho thấy người viết cầu thả, thiếu đầu tư, tư duy kém sẽ gây mất cơ hội việc làm.

Đảm bảo tính trung thực

Khi viết điểm mạnh điểm yếu, ứng viên nên dựa vào tiêu chí trung thực. Sẽ sai lầm nếu bạn nghĩ rằng viết tâng bốc điểm mạnh là cách nhanh nhất để ghi điểm với nhà tuyển dụng.  

Viết thiếu trung thực ở bất kì nội dụng nào dù ở CV hay thư xin việc đều không nên. Nhà tuyển dụng có cách kiểm tra thông tin. Hơn nữa nếu bạn được nhận vào chính thức thì năng lực sẽ bộc lộ rõ ràng và chính những thông tin không trung thực sẽ ảnh hưởng đến thành quả công việc bạn đảm nhận.

Một hồ sơ xin việc có đầu tư, chu đáo và cách viết điểm mạnh, điểm yếu trong CV thông minh, khéo léo sẽ giúp bạn có thêm điểm cộng và mở rộng cơ hội đến với buổi phỏng vấn. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn “giải bài toán khó” với hồ sơ xin việc của mình. Chúc bạn có được cơ hội việc làm đúng như mong đợi.