Lăng Quận Mãn thuộc địa phận phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa là nơi thờ tự của vị trung thần Lê Trung Nghĩa nhà Lê - Trịnh.
Theo sử sách, Lê Trung Nghĩa vốn là người họ Nguyễn, tên Mãn, Nguyễn Mãn sinh ra tại thôn Nhuệ, thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn (nay là phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa). Sau này vì có công lao lớn với triều đình nên ông đã được thăng chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận công, được người dân gọi là Quận Mãn và được ban họ của vua.
Trong thời gian làm quan, thấy người dân quê nơi mình sinh ra không có ruộng đất để cấy trồng, ông tự xuất tiền mua ruộng giao cho nông dân làm ăn. Cũng trong khoảng thời gian này ông cho tôn tạo, trùng tu chùa Tiên Sơn, một điểm di tích của địa phương với những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp còn tồn tại đến tận ngày nay.
Trước những đóng góp to lớn của ông người dân địa phương đã lập dựng đền thờ và tôn ông làm hậu thần ngay từ khi đang sống.
Khu lăng mộ Quận Mãn được xây dựng từ chính loại đá làng Nhồi. Đây là loại đá mà theo những ghi chép trên văn bia chùa Báo Ân, núi An Hoạch (năm 1100): “Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng kêu muôn dặm, dùng làm bia, văn chương thì còn bền mãi nghìn đời”.
Khu lăng mộ với các pho tượng quan văn, quan võ, linh vật, văn bia được chạm khắc tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của những người thợ làm đá làng Nhồi thời bấy giờ. Thời điểm mới xây khu lăng mộ còn có đình thờ nhưng dưới tác động của thời gian và chiến tranh đình thờ chỉ còn lại những dấu vết của nền móng.
Lăng Quận Mãn là công trình nghệ thuật bằng đá quy mô lớn nhất thời Lê Trung Hưng còn tồn tại cho đến ngày nay có giá trị lớn về mặt lịch sử và nghệ thuật điêu khắc đá và được coi là “bảo tàng” điêu khắc đá của xứ Thanh.
Hiện nay, khu lăng mộ đang có dấu hiệu của sự xuống cấp cần các cơ quan chức năng sớm đưa ra những biện pháp nhằm cải tạo và khắc phục để bảo tồn di tích này.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, chiếc ngai bằng đá của khu lăng mộ đặt trên một bệ đá hình vuông, mỗi chiều khoảng 2 m, dày khoảng 0,4 m đã bị xô lệch nghiêng hẳn một bên.
Tấm bia đá, cao khoảng 2m, rộng 1,2m, dày 0,15m bị sụt nghiêng.
Những bức tượng đá theo thời gian bị xuống cấp, rêu, mốc bám làm.
Ngoài ra tình trạng cỏ dại mọc không được cắt tỉa cũng làm cho khu di tích trở nên hoang vắng, mất mỹ quan.
Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi Nhồi được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao công nhận là di tích quốc gia từ năm 1992. Cụm di tích gồm chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, Đình Thượng, lăng Quận Mãn và Hòn vọng phu.
Hoặc