Sự kết hợp sáng tạo này mang đến cho công chúng những cảm xúc rất mới lạ, chinh phục cả những khán giả khó tính nhất và khiến người yêu sân khấu Việt một kỳ vọng vào sân chơi nghệ thuật mới, đầy hấp dẫn.


Poster giới thiệu vở diễn "Cây gậy thần". Ảnh: rapxiectrunguong.com

Chinh phục khán giả

Sân khấu tròn trong Rạp Xiếc Trung ương vốn quen thuộc với những khán giả yêu xiếc bỗng trở nên thật sinh động với những không gian, bối cảnh biến ảo liên tục, linh hoạt. Trong khi sân khấu chính đang cuốn hút công chúng với cảnh sông nước mênh mông, Chử Đồng Tử bắt cá bên bờ sông, rồi gặp thuyền công chúa Tiên Dung ghé bờ du ngoạn…, chỉ trong chớp mắt, khán giả bị hấp dẫn bởi cảnh sinh hoạt của triều đình Lạc Vương phía bên trái rạp. Thoắt cái, bên phải rạp lại là cuộc sống sôi động của người dân Chử Xá… Cứ thế, khán giả dường như được đặt vào trong không gian vở diễn và bị cuốn hút, hấp dẫn theo từng phân cảnh nối tiếp nhau một cách liền mạch, lưu loát.

Bỗng chốc, cả sân khấu ồ lên ngỡ ngàng, rồi những tràng pháo tay rào rào không ngớt khi chứng kiến nghệ sỹ cải lương Minh Hải (vai Chử Đồng Tử) và nghệ sỹ Như Quỳnh (vai Tiên Dung) vừa đu dây như những diễn viên xiếc chuyên nghiệp, vừa cất cao giọng ca. Những làn điệu cải lương mượt mà, sâu lắng cứ thế ngấm vào lòng người nghe… Xen lẫn những phân cảnh cải lương ấn tượng là diễn xuất của các nghệ sỹ xiếc được lồng ghép một cách khéo léo, liền mạch và hợp lý. Ở đó, các nghệ sỹ xiếc đã không chỉ còn là những người diễn trò, mà đã hóa thân thành những nhân vật trong vở diễn, mang kỹ năng diễn xiếc tài tình của mình vào thể hiện trong phân cảnh có màu sắc, yếu tố tâm linh, huyền bí siêu thực và yêu cầu kỹ thuật cao…

Âm nhạc trong “Cây gậy thần” cũng là một sự phá cách khi toàn bộ các bài vọng cổ được hòa âm phối khí trên nền nhạc Jazz do nhạc sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trung sáng tác. Cuộc chơi ngẫu hứng này đã phát huy hiệu quả đặc biệt, hấp dẫn khán giả với màn kết hợp giữa nhạc Rap và Jazz trong lớp diễn ma quỷ trỗi dậy, cướp ngôi của Lạc Vương…

Có thể nói, sự kết hợp khéo léo, tài tình giữa nghệ thuật cải lương, kỹ năng diễn xiếc cùng với hiệu ứng công nghệ, âm thanh, ánh sáng… đã mang đến một vở diễn hấp dẫn, ấn tượng với công chúng, điều mà nếu chỉ đơn thuần nghệ thuật cải lương hay xiếc sẽ khó mà thể hiện được. Điều đó cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý của hai đạo diễn nổi tiếng với những thử nghiệm cho sân khấu ở tác phẩm này đã tạo nên không gian nghệ thuật và nhiều tầng sân khấu ở rạp xiếc.

Rời rạp xiếc với tâm trạng hào hứng, chị Thu Hương, khán giả xem tổng duyệt cho biết: Mới đầu, khi nghe nói vở diễn sân khấu kết hợp giữa cải lương và xiếc, chị đã rất hoài nghi, bởi không hình dung sẽ kết hợp thế nào để không bị “vênh” nhau. Thế nhưng, khi ngồi xem, chị đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự kết hợp tài tình của các đạo diễn, diễn xuất của các diễn viên.

“Lâu lắm rồi tôi mới xem một vở diễn sân khấu cuốn hút đến vậy. Ngồi xem các nghệ sỹ biểu diễn mà tôi thấy thật ngỡ ngàng, cảm giác được đưa từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi háo hức chờ phân cảnh mới… thật tuyệt vời”, chị Thu Hương nói.

Thử nghiệm sáng tạo đầy hấp dẫn

“Cây gậy thần” là tác phẩm đầu tiên được thực hiện trong dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. “Huyền sử Việt” gồm 4 vở diễn thuộc thể loại ca - kịch - xiếc, ca ngợi “Tứ bất tử” - bốn vị thánh trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người Việt, đó là: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Dự án này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân để thu hút đông đảo khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.

Kịch bản “Cây gậy thần” do cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật viết về huyền tích mối thiên duyên giữa Chử Đồng Tử - Tiên Dung, thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Với kinh nghiệm và bút pháp uyên thâm trong những kịch bản đề tài dân gian huyền thoại, cố tác giả Hoàng Luyện đã thổi hồn vào câu chuyện cổ tích Chử đồng Tử - Tiên Dung bằng ngôn ngữ sân khấu qua tác phẩm “Cây gậy thần”. Kịch bản gốc được tác giả Lê Thế Song, con rể của cố tác giả Hoàng Luyện chỉnh lý lại cho phù hợp với cải lương và xiếc, đồng thời rút gọn lại 1/2 thời lượng.

“Cây gậy thần” có sự tham gia của ê kíp sáng tạo hùng hậu, gồm: Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên (Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam); nhạc sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trung (sáng tác âm nhạc); họa sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật); Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Nam (biên đạo múa)... 

Từ trước đến nay, đã có nhiều kịch bản viết về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhưng Hội đồng nghệ thuật đã quyết định chọn dựng kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện. Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Khi quyết định dựng về Chử Đồng Tử, chúng tôi mong muốn tìm một kịch bản viết theo hơi hướng cổ xưa và thể hiện thật mộc mạc, nguyên sơ, điều này thiếu vắng ở trong các sáng tác thời gian gần đây. Kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện đáp ứng được yêu cầu của dự án, cốt truyện và tình tiết rất phù hợp cho hình thức kết hợp giữa hai loại hình sân khấu xiếc và Cải lương”. 

Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, lúc đầu bản thân anh và diễn viên của hai Nhà hát cũng rất bỡ ngỡ, lo lắng bởi đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật rất khác nhau. Cải lương nặng yếu tố ủy mị, tiết tấu chậm, còn xiếc tiết tấu nhanh, trực diện. Tuy nhiên, các nghệ sỹ đã rất nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để học hỏi, luyện tập và mang đến cho công chúng một vở diễn hấp dẫn.

“Tôi vô cùng khâm phục các nghệ sỹ cải lương khi thấy họ không ngại nguy hiểm, vừa đu trên dây như nghệ sỹ xiếc, vừa diễn, vừa hát. Chúng tôi mong muốn những người yêu thích cải lương sẽ đồng hành với xiếc, dần dần xóa đi quan niệm xiếc chỉ dành cho trẻ em”, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng nói. 

Nghệ sỹ Minh Hải (vai Chử Đồng Tử) chia sẻ, tham gia vở diễn là một sự khám phá đổi mới với chính bản thân anh. "Lúc đầu, tôi đã rất sợ khi vừa hát, vừa diễn, vừa làm động tác xiếc trên không, nhưng được Đạo diễn Tống Toàn Thắng động viên, hướng dẫn luyện tập và “truyền lửa”, nên tôi đã đã làm được, có sự thăng hoa rất thú vị trong khi diễn", nghệ sỹ Minh Hải cho biết.

Với nghệ sỹ Như Quỳnh (vai Tiên Dung), việc biểu diễn trên dây cũng là một thử thách không nhỏ vì chị rất sợ độ cao. Khi hóa thân vào vai diễn, nữ nghệ sỹ đã vượt qua nỗi sợ hãi, có thêm trải nghiệm thú vị khi hát và diễn trên cao.

Nghệ sỹ Nhân dân Lưu Phúc, một nghệ sỹ lâu năm của ngành xiếc đánh giá, ý tưởng kết hợp giữa xiếc và cải lương trong “Cây gậy thần” đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình. Đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ, hiệu quả không thể tuyệt vời như khi có sự kết hợp cùng cải lương.

“Dễ dàng cảm nhận sự thành công khi nghe những tràng pháo tay vang dội từ người xem ngay trong những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa của cặp nghệ sỹ cải lương - xiếc cùng thể hiện hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung, thực hiện động tác đu dây lụa”, Nghệ sỹ Nhân dân Lưu Phúc nói.  

Với vở diễn “Cây gậy thần”, các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sỹ của hai đơn vị nghệ thuật đã biến những điều không tưởng thành hiện thực. Tác phẩm đã cho thấy sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ sỹ và mang đến cho những người yêu sân khấu Việt một kỳ vọng vào sân chơi nghệ thuật mới, đầy hấp dẫn.