Chương trình được chỉ đạo nội dung bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, xây dựng kịch bản bởi Nhà báo Vương Xuân Nguyên, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ: Thượng tá, NSƯT Hương Giang - Quán quân Sao Mai 2022 Trịnh Núi, đồng thời là Tổng đạo diễn Chương trình, Ca sĩ Mai Nguyễn Anh, Ca sĩ Hoàng Liên, Vũ đoàn Ladies Night, Ca sĩ Lê Khánh, Ca sĩ Anh Tuấn, Ca sĩ Trung Quốc, Ca sĩ Mỹ Tâm, Ca sĩ Hương Giang, Ca sĩ Hà Phương, Ca sĩ Ánh Nguyệt, Nhạc sỹ Nguyễn Thư, Biên đạo Diệp Anh cùng các nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài Quân đội.
Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (KTHT-PTNT) gắn liền với lịch sử phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nguồn gốc từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn từ giai đoạn kháng chiến (1945-1954) đến thời kỳ đổi mới (1986-1995). Từ khi được thành lập vào năm 2003, trải qua quá trình sát nhập và hợp nhất đa dạng từ các tổ chức trước đó, đến nay, bộ máy tổ chức của Cục có 08 Phòng chuyên môn và 01 Trung tâm, bao gồm: Phòng Kinh tế hợp tác; Phòng Giảm nghèo và An sinh xã hội nông thôn; Phòng Ngành nghề nông thôn; Phòng Quy hoạch và Bố trí dân cư; Phòng Cơ điện và Phòng Nghề muối; Phòng Công tác phía Nam, Văn phòng Cục và Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp.
Qua hơn 20 năm phát triển (2003-2023), Cục KTHT-PTNT đã có nhiều thành tựu đáng kể. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng nhanh về số lượng mà vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động được cải thiện. Công tác Quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn này tiếp tục được quan tâm. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn theo phân công của Chính phủ cũng được triển khai rất tốt, với tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam giảm với con số ấn tượng, từ 28,9% (2002) xuống 2,7% (2020). Ngoài ra, việc cơ giới hóa nông nghiệp và áp dụng công nghệ cao đã đem lại năng suất và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng đạt được kết quả tích cực, giúp họ tạo ra thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tự hào với những thành tựu đã đạt được, Cục KTHT-PTNT cam kết tiếp tục đổi mới và sáng tạo để góp phần vào xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, đóng góp vào mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái - bền vững, Nông thôn hiện đại - đáng sống, Nông dân chuyên nghiệp - văn minh" của đất nước.
Hoặc