Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, về nội dung cơ bản của Chương trình, Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát và Chương trình có 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035.
Về nội dung thành phần Chương trình, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần đã được thể hiện rõ tại Tờ trình số 444/TTr-CP, Tờ trình tóm tắt số 446/TTr-CP ngày 17.4.2024 kèm theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình số 445/BC-CP.
Cụ thể là các nội dung: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật;
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.
Cơ quan soạn thảo đề nghị thứ nhất, về phạm vi của Chương trình: Đối tượng, phạm vi của Chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. Nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Đề xuất này dựa trên cơ sở nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Thứ hai, về thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035. Trong đó năm 2025 chỉ tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Giai đoạn thứ 1 theo kỳ trung hạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Đối với năm 2025, để phù hợp với Luật đầu tư công và thời điểm xây dựng kế hoạch 5 năm, Chính phủ dự kiến chỉ đề xuất nguồn ngân sách sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ năm 2025. Trường hợp Quốc hội thông qua thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để triển khai nhiệm vụ này.
Thứ ba, thống nhất quản lý các Chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa đã được phê duyệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được nêu tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (mục 4.1.b Phần I) nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026- 2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình này để tập trung cao nhất các nguồn lực hướng tới hiệu quả đầu tư tốt hơn và sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Báo Văn Hóa
Hoặc