Tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3, cuốn sách “Lịch sử” (Historiai) của tác giả Herodotus, do PGS.TS Lê Đình Chi đã đoạt được giải A. Đây là lần đầu tiên, sách dịch đoạt được giải A tại giải thưởng danh giá này.

“Lịch sử” được xem là tác phẩm mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây. Tác phẩm đặc biệt có giá trị về khoa học lịch sử, thực tiễn và xã hội.

Tác giả Lê Đình Chi (áo kẻ, đứng giữa) và đơn vị xuất bản - phát hành nhận giải tại Lễ trao giải Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3.

PGS.TS Lê Đình Chi (sinh năm 1977), công tác tại Đại học Dược Hà Nội. Ông là người chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn học, lịch sử, tiểu sử nổi tiếng như: Napoleon đại đế, Những kỳ vọng lớn lao, Những người nuôi giữ bồ câu, Biểu tượng thất truyền…

Dân trí đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Lê Đình Chi về tác phẩm “Lịch sử” do anh cùng các cộng sự biên dịch vừa đoạt giải A Sách Quốc gia.

Xuất phát từ đâu mà ông và các cộng sự đã quyết định chuyển ngữ tác phẩm này?

Câu chuyện này xuất phát từ một cơ duyên đặc biệt giữa người dịch và đơn vị xuất bản. Tôi thích tác phẩm này từ lâu rồi. Hồi đó, công ty Omega Việt Nam muốn thiết lập một tủ sách gồm những tác phẩm kinh điển và hai ý tưởng gặp nhau. Rất may là chúng tôi đã đi được cùng nhau đến một hành trình dài và cũng rất bất ngờ là được độc giả đón nhận tác phẩm tích cực như thế.

Tác phẩm “Historiai” được coi là mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây do Herodotus viết vào thế kỷ thứ V (TCN). Tên tuổi của tác giả gắn liền với tác phẩm lịch sử này cũng được mệnh danh là “Cha đẻ của môn Sử học”. Tác giả Herodotus đã biên soạn cuốn sách này bằng tiếng Hy Lạp cổ đại. Công trình này đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Tác phẩm này thường được chuyển thể thành “Lịch sử” với chữ “L” viết hoa chứ không phải lịch sử nói chung.

Cuốn sách "Lịch sử" do PGS.TS Lê Đình Chi chuyển ngữ.

heo ông, ý nghĩa mà tác phẩm mang lại là gì?

Theo tôi, cái thú vị nhất của độc giả ngày nay đó là được đọc lại một tường thuật rất đa dạng về cuộc sống cách đây hơn 25 thế kỷ. Thực sự, khi đọc cuốn sách này, dường như người ta đang trong một chuyến đi ngược thời gian và người ta có thể đọc cuốn sách ấy dưới nhiều góc độ khác nhau.

Có thể như một tác phẩm sử học mà cũng có thể như một cuốn tiểu thuyết hoặc một tác phẩm về địa lý, du ký. Cho nên tôi nghĩ, không chỉ người nghiên cứu lịch sử mà người yêu thích văn học cũng có thể đọc được rất nhiều thứ ở đây.

Đối với độc giả Việt Nam thì những câu chuyện được kể ở đây vẫn còn tương đối mới. Nhưng với văn hoá phương Tây nói chung thì những câu chuyện được kể trong “Historiai” này đã trở thành những điển tích rất thân thuộc, giống như điển tích trong “Truyện Kiều” của người Việt Nam chúng ta vậy.

Tôi nghĩ, khi có bản Việt ngữ này, chúng ta sẽ làm quen với văn hoá phương Tây dễ hơn và chúng ta hiểu nhiều hơn nguồn gốc của rất nhiều câu chuyện ở phương Tây.

Tác phẩm này xuất hiện từ hơn 2500 năm trước. Việc chuyển ngữ được ông thực hiện như thế nào?

Trong lời giới thiệu tôi có nói, cá nhân tôi không đủ năng lực để chuyển ngữ nó từ bản gốc là ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại. Tôi phải chuyển ngữ qua một khâu trung gian đó là bản dịch tiếng Anh được dịch lại từ tiếng Hy Lạp cổ. May mắn, tôi có biết một ít tiếng Pháp nên đã tham khảo được rất nhiều bản dịch tiếng Anh lẫn tiếng Pháp để có được bản chuyển ngữ ít nhất cũng trung thành về mặt ý nghĩa.

Cuốn sách này ông thực hiện chuyển ngữ trong thời gian bao lâu?

Rất khó để nói về thời gian cụ thể. Chúng tôi thực hiện chuyển ngữ từ năm 2015 mà đến 2017 mới hoàn thành xong. Nhưng để có được bản dịch này thì cả nhóm thực hiện phải mất thêm hơn một năm nữa cho quá trình biên tập, mới ra được cuốn sách vào đầu năm 2019.

Trong nhóm có một bạn biên dịch, một số bạn thực hiện khâu trình bày. Rất may nhóm làm việc tương đối tâm huyết. Hy vọng, kết quả thu được sẽ thỏa nguyện mong đợi của độc giả. Vì quan niệm của tôi là đón nhận của độc giả quan trọng nhất. Đó là đánh giá khách quan và công tâm nhất cho một cuốn sách.

Trong quá trình dịch, ông gặp những khó khăn gì?

Cuốn sách nói đến một nền văn minh hoàn toàn xa lạ với Việt Nam, cách chúng ta hơn 2500 năm. Thành ra, rất nhiều thứ không có từ ngữ tương đương trong tiếng Việt. Nhiều khi phải chú thích rồi vận dụng những cụm từ trong các ngữ cảnh khác để làm sao cho phù hợp. Hy vọng nó sẽ không khó hiểu quá với bạn đọc và chuyển tải được một cách trung thành nhất bản gốc.

Đây là cuốn sách dịch đầu tiên đoạt được giải A tại Giải thưởng Sách Quốc gia. Ông nghĩ như thế nào về sự phát triển và vị thế của sách dịch trên thị trường hiện nay?

Thực ra, nếu nói về sách dưới góc độ người đọc thì người đọc hiện nay thích những cuốn sách đẹp cả về nội dung và hình thức. Chuyện đó là sách dịch hay sách do người Việt viết không phải là yếu tố quan trọng nhất. Người đọc thường có cái nhìn rất khách quan và công tâm đối với mọi tác phẩm.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.