Thần tích ngọc phả Đình làng So và các nguồn sử liệu chép rằng, vào mùa xuân năm Canh Dần (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng. Từ đấy hai ông bà làm ăn cứ khấm khá mãi lên nên cuộc sống rất khá giả. Hiềm nỗi hai ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Ông vẫn thường nói: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự. Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, làng So, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Đáy. Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ, hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man. Sau đó bà có mang. Tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba chàng trai khoẻ mạnh khỏe lớn khôn rồi theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân.
Chỉ trong vài năm, ba ông cùng Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng, bình định được 11 sứ quân. Tuy nhiên khi đối mặt với sứ quân hùng mạnh nhất do Đỗ Cảnh Thạc (Độc nhĩ vương) làm chỉ huy ở khu vực Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, quân của Đinh Bộ Lĩnh chịu nhiều tổn thất. Bởi nơi đây không chỉ có thành cao hào sâu mà Độc Nhĩ Vương là người trí dũng mưu lược lại được lòng dân địa phương. Với nhân dân ở xứ này, Đỗ Cảnh Thạc là người có công trong việc mang các nghề Nông, Trang, Canh, Cửi...đem lại cuộc sống cho họ (Đến nay, nhiều nơi ở Thanh Oai, Quốc Oai đã tôn ông là Thành Hoàng làng và được thờ phụng ở một số di tích như đền Tam Xã, đình Sài Khê, đình Thụy Khê, đình Đa Phúc ở xã Sài Sơn, đình Ngô Sài ở thị trấn Quốc Oai, đình Cổ Hiền xã Tuyết Nghĩa thuộc huyện Quốc Oai; đình Bình Xá, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất và đền thờ ở làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai…).
Để đánh bại được sứ quân của Đỗ Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế để đánh. Hai bên giao tranh ác liệt trong hơn một năm (966 - 967). Chiến công lớn của 3 ba vị chủ soái họ Cao cùng nghĩa quân làng So là trận chiến với sứ quân Đỗ Cảnh Thạc vùng Đỗ Động. Khi vượt sông Thanh Quyết, các ông đánh thành Thường Vệ, vây thành Bảo Đà, đánh thành Quèn (xã Liêm Tuyết, Quốc Oai) rồi đóng đồn doanh ở Sơn Lộ Trang. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị vây hãm ở Bối Khê, tình thế vô cùng nguy cấp, lập tức ba ông mang quân đi giải vây. Dân trang Sơn Lộ đã chọn ra 300 tráng đinh khỏe mạnh đi theo các ông làm thần tử. Trước ngày xung trận, dân làng mở tiệc khao quân bằng những đặc sản nổi tiếng của quê hương khi đó là bún gạo, chè kho…trong 3 ngày liền đúng dịp Tết Đoan Ngọ (đến nay, người dân làng So vẫn có câu “Mồng ba ăn bún, mồng bốn ăn chè, mồng năm giết sâu bọ”).
Vào trận, ba anh em họ Cao cùng nghĩa quân làng So tả xung hữu đột chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long và hàng ngàn sĩ tốt, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, loạn 12 sứ quân được dẹp hoàn toàn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong 3 anh em họ Cao là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Sau khi ba vị hóa về trời, nhân dân suy tôn là Tam Thánh Thành Hoàng làng So và thờ tự của các ngài là một ngôi miếu được xây dựng vào thời nhà Đinh (968 - 980). Đến năm 1673 thời Lê Trung Hưng (1533-1788), miếu được tu bổ cũng như mở rộng thành đình So hoàn thành vào văn 1674 có hướng chính điện nhìn ra sông Đáy và Hoàng Thành Thăng Long.
Hoặc