Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại từ 1/5

Hé lộ giá khẩu trang Việt Nam xuất đi nước ngoài - 1

Thủ tướng cho biết có một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt với nhau hơn nữa. Ảnh: VGP.

Tại cuộc họp chiều 28/4, Thủ tướng cho biết, năm 2020, chúng ta có kế hoạch xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Do tình hình dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, nhiều nước đã dừng xuất khẩu gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm lương thực có thể xảy ra.

Vì vậy, theo Thủ tướng, Việt Nam đã có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát để xem xét tình hình sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu, xem sản lượng, diện tích, năng suất cụ thể để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước 100 triệu dân, đề phòng bất trắc xảy ra. Đây là việc làm cần thiết.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ này về phương án điều hành xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020.

Theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).

Khẩu trang tắc đường “xuất ngoại", Việt Nam bỏ lỡ thành đại công xưởng?

Chính phủ vừa công bố quyết nghị bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20 /NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước theo quy định.

Bộ Y tế, Bộ Công Thương công khai danh sách, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang; Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp, số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu.

Trước đó, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: Việt Nam đã mua 46 triệu khẩu trang y tế trên chỉ tiêu 60 triệu chiếc dự trữ. Tuy nhiên vì 14 triệu chưa mua được khiến việc xuất khẩu của doanh nghiệp bị "tắc" lại.

Thông tin ông Hoài đưa ra khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, phải chăng Việt Nam đang bỏ lỡ thời điểm “vàng" trong việc cung ứng mặt hàng khẩu trang ra thế giới - trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang cần mặt hàng này.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, năng lực sản xuất sản phẩm này của doanh nghiệp Việt là rất lớn, nhu cầu xuất khẩu cao. Thậm chí, Việt Nam có thể trở thành đại công xưởng khẩu trang của thế giới với năng lực như hiện nay. Tuy nhiên, việc xuất khẩu đang bị tắc lại do chưa mua đủ dự trữ.

Hé lộ giá khẩu trang Việt Nam xuất đi nước ngoài - 2

Chính phủ ra Nghị quyết mới trong đó bỏ quy định cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế (ảnh: Nguyễn Mạnh)

Việt Nam xuất đi hơn 415 triệu khẩu trang, giá chỉ 3.500 đồng/chiếc

Theo số liệu mới được Tổng cục Hải quan phát đi, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, Việt Nam xuất đi được hơn 415 triệu chiếc khẩu trang , bao gồm cả hình thức xuất thương mại, xuất gia công và xuất biếu tặng.

Giá bình quân khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam khoảng 3.500 đồng/chiếc, trong đó xuất nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ.

Riêng trong tháng 4, tính đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD (bình quân 8.800 đồng/chiếc). Trong đó, theo khai báo hải quan chủ yếu đây là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton.

Về loại hình xuất gia công (doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam) được khoảng 36,88 triệu chiếc và xuất kinh doanh.

Đặc biệt, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng,…) khoảng 51,30 triệu chiếc.

Hỗn loạn thị trường máy xét nghiệm Covid-19: Rất khó xác định mức giá đúng!

Hé lộ giá khẩu trang Việt Nam xuất đi nước ngoài - 3

Vận hành máy Real-time RCR xét nghiệm Covid-19

Vụ việc tại CDC Hà Nội vừa qua đã tạo ra “phản ứng dây chuyền”, từ đó nhiều tỉnh/thành vội vã vào cuộc kiểm tra lại việc mua bán máy xét nghiệm Covid-19; và Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo kiểm tra lại vụ này với các địa phương.

Mức giá máy xét nghiệm Covid-19 được các địa phương mua vào rất đa dạng, dao động ở biên độ lớn từ khoảng 1,5 tỷ đồng đến hơn 7 tỷ đồng.

Về nội dung này, xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Đồng loạt giảm, giá xăng dầu xuống mức thấp nhất 13 năm qua

Tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 28/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục thực hiện giảm giá các loại mặt hàng xăng dầu .

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 401 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 308 đồng/lít; Dầu dieselgiảm 882 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 674 đồng/lít; Dầu mazut giảm 657 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 10.942 đồng/lít; Xăng RON 95 là 11.631 đồng/lít; Dầu diesel 9.941 đồng/lít; Dầu hỏa 7.965 đồng/lít; Dầu mazut 8.670 đồng/kg.

Cũng tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 1.400 đồng/lít, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.600 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 500 đồng/kg; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Mai Chi (tổng hợp)