Tác giả: Trương Anh Sáng

Mẹ Trần Thị Quang Mẫn và cô con gái Ngọc Hân

Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ má Mẫn là trường hợp duy nhất cải nam trang nhập ngũ đi đánh giặc. Từ một cô gái xinh đẹp, má đã cắt tóc ngắn, đi lại khệnh khạng, gào thét cho vỡ giọng để giả trai cho thật giống nhằm thực hiện ước mơ của mình.

Vậy là người con gái giả trai - Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn đã rời xa, rời xa quân và dân Kiên Giang thật rồi. Từ nay trở đi, đồng chí, đồng đội và người thân cùng các thế hệ tuổi trẻ không còn được thấy má cười, không còn được nghe má kể chuyện đuổi Tây, đánh Mĩ. Sự ra đi của má đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng chí, đồng đội, người thân và quân và dân Kiên Giang. Đó là sự mất mát to lớn.

Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, mỗi chúng ta càng thêm kính yêu, cảm phục tinh thần bất khuất, sự cống hiến to lớn của người con gái xứ Giồng Riềng anh hùng đã tiếp nối xứng đáng truyền thống yêu nước của Bà Trưng, Bà Triệu; xứng đáng với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc đã hun đúc tinh thần nhiệt huyết của người con gái tuổi 17 quyết tâm trở thành đội viên Vệ quốc đoàn.

 Để được tham gia Vệ quốc đoàn, má quyết định đóng giả con trai. Má bỏ chữ “Thị” trong tên lót của mình và thêm chữ “Quang” để thành Trần Quang Mẫn. Má cắt tóc cua, quấn chặt ngực, tập dáng đi khệnh khạng, phơi nắng, dầm mưa cho nước da đen; đào một cái lỗ dưới đất ngày nào cũng úp mặt xuống gào hết cỡ cho bể giọng, nói được tiếng khàn đục như con trai. Chưa hết, để chắc chắn không bị phát hiện má tập uống rượu, hút thuốc rê phì phèo, làm những việc của đàn ông như: Lợp lá, sửa nhà. Năm 1946, má trở thành tân binh của trung đội 1, đại đội 70, chi đội 124 của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở Vĩnh Thuận (U Minh Thượng, Kiên Giang).

Cả cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng với nhiều chiến công hiển hách đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Báo chí ở Sài Gòn khi đó đã mệnh danh người nữ chiến sĩ Việt cộng ở Rạch Giá là “Nữ chúa miền Tây”. Một trong những chiến công chói lọi của má đó là tiêu diệt tên chỉ huy khu An Phước (Vĩnh Thuận) Lâm Quang Phòng, 1 trong 7 tên ác ôn khét tiếng mang danh “Người hùng chống cộng miền Tây”.

 Tháng 7-1958, Tỉnh ủy Rạch Giá ra Nghị Quyết phải trừ khử tên Lâm Quang Phòng bằng mọi giá. Nhiệm vụ được giao cho đơn vị của má và má xin được thực hiện nhiệm vụ. Biết nhà tên Phòng sắp tổ chức đám xả tang người cô của hắn, má Sáu Mẫn giả làm người giúp việc vào trong đám tang. Tiệc xong, tên Phòng thấm mệt, nằm lim dim trên võng, má Sáu Mẫn rút dao, dồn hết sức mạnh căm thù chém vào cổ hắn. Chiếc áo ka ki quá dày, lưỡi dao lại vướng cái võng, hắn chỉ bị sướt trên mặt, rồi lăn xuống đất, chui vào gầm giường cạnh đó trốn. Má Sáu Mẫn lao theo, chém tiếp mấy nhát vào sườn, vào cổ hắn. Tên Phòng la ú ớ, thất thanh.

Cả trung đội bảo vệ tên Phòng vây thành vòng tròn quanh má Mẫn. Bọn giặc không nổ súng vì quyết bắt sống má. Bọn địch thì đông, má Sáu Mẫn đuối sức dần. Một chiếc ghế trong tay địch bay vào cánh tay người con gái dũng cảm làm con dao rơi xuống đất. Bọn giặc ào đến, lao vào đấm đá thân thể mảnh mai của má.

Bị địch bắt, má Sáu Mẫn bị kết án 7 năm tù khổ sai, 5 năm biệt xứ. Vì thuộc thành phần luôn đấu tranh nên bọn địch liên tục đưa má đi khắp các nhà tù: Rạch Giá, Chương Thiện, Tân Hiệp, Chí Hoà, Côn Đảo. Đi đến nhà tù nào má cũng đều bị bọn địch dùng nhiều đòn tra tấn dã man đến chết đi sống lại nhưng má quyết không khai căn cứ cách mạng. Trong tù má tiếp tục hoạt động Cách mạng, vận động chị em đoàn kết, đấu tranh chống giặc, chống lại những hành động đàn áp người tù dã man. Những đòn tra tấn dã man và thâm độc của kẻ thù đã không đánh gục được người phụ nữ Việt Nam kiên cường. Không giết được người nữ Cộng sản kiên trung, khiếp nhược trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của má, cuối cùng địch phải thả tự do cho má.

Sau khi ra tù má tiếp tục tham gia kháng chiến với nhiều cương vị khác nhau: Đại đội trưởng công tác dân quân tỉnh Rạch Giá; Đại đội trưởng công tác trợ lý phòng dân quân Quân khu 9; trợ lý Chính sách, Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 9 và đến tháng 05/1977 má nghỉ hưu theo chế độ.

Hơn 32 năm tham gia cách mạng, 75 năm tuổi Đảng với nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, má luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội và nhân dân yêu quý. Trong thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tổ chức, gia đình và các Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh tận tình chăm sóc cứu chữa, nhưng vì tuổi cao, sức yếu; bệnh nặng, má đã từ trần hồi 09 giờ, ngày 23 tháng 3 năm 2021 (nhằm ngày 11 tháng 2 năm Tân Sửu), hưởng thọ 95 tuổi. Di hài má được an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Riềng, nơi chồng và con má an nghỉ tại đó.

Người con anh hùng của quê hương Kiên Giang đã về cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh. Kiên Giang mất đi người mẹ Việt Nam anh hùng, biểu tượng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay; người chiến sĩ Anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân. Bạn bè, đồng chí, đồng đội mất đi một người bạn chiến đấu, người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và nhân hậu.

Hình ảnh một người mẹ giàu lòng nhân ái và đầy khí phách in đậm mãi trong quân và dân tỉnh Kiên Giang. Quân và dân tỉnh Kiên Giang nguyện sống, học tập, làm việc thật tốt để tiếp bước truyền thống của những người đi trước. Và hình ảnh người con gái giả trai tòng quân đi đánh giặc - Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn sống mãi với thời gian, với lịch sử hào hùng của dân tộc.