Tác giả: Trương Anh Sáng

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, mẹ Mẫn luôn tỏ rõ phẩm chất của một người cán bộ Đảng viên, trở thành người cán bộ nòng cốt của lực lượng vũ trang tỉnh.

Người nữ tướng ấy là mẹ Mẫn, tên thật là Trần Thị Sáu, tên khai sinh Trần Quang Mẫn, tên thường dùng Trần Thị Quang Mẫn (bí danh Sáu Quang, Sáu Mẫn và Mười Mẫn), sinh ngày 20 tháng 6 năm 1926 tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, xuất thân trong gia đình trung nông, giàu truyền thống cách mạng.

Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, mẹ Mẫn là chiến sĩ liên lạc trung đội 1, đại đội 70, Trung đoàn 124, Quân khu 9. Tháng 01 năm 1947 đến tháng 12 năm 1947, mẹ được phân công làm Tiểu đội trưởng vệ binh, Trung đoàn 124, được cử học lớp đào tạo sĩ quan tại Khu 9, được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam ngày 01/01/1947.

Tháng 01 năm 1948 đến tháng 12 năm 1948, mẹ giữ chức vụ trung đội trưởng nữ dân quân Tỉnh đội Rạch Giá. Tháng 01 năm 1949 đến tháng 12 năm 1952, là Phó đại đội trưởng, ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ; phụ trách nữ dân quân tỉnh Rạch Giá.

Tháng 01 năm 1953 đến tháng 12 năm 1953 mẹ được phân công về Công tác tại Phòng dân quân Quân khu 9. Ttháng 01 năm 1954 đến tháng 12 năm 1955; sau đó được phân công ở lại miền Nam hoạt động rồi chuyển vùng làm phó bí thư chi bộ xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá.

Tháng 01 năm 1956 đến tháng 12 năm 1958, mẹ giữ chức vụ Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng, tiểu đoàn Ngô Sở, vận động lực lượng giáo phái do cách mạng thành lập lấy danh nghĩa giáo phái. Tháng 01 năm 1959 đến tháng 12 năm 1965, Tổ trưởng tổ Đảng, trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động trừ gian diệt ác trong đó có thành tích nổi bật là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, đó là hành động dũng cảm, quyết tâm tiêu diệt thiếu tá Lâm Quang Phòng - Chỉ huy trưởng Chi khu An Phước ác ôn. Trong trận này mẹ bị địch bắt kết án 7 năm tù, 5 năm đày đi biệt xứ.

Từ tháng 01 năm 1966 đến tháng 12 năm 1967, mẹ đảm nhiệm đại đội trưởng công tác dân quân tỉnh Rạch Giá.  Từ tháng 01 năm 1968 đến tháng 12 năm 1970, Đại đội trưởng công tác trợ lý phòng dân quân Quân khu 9. Năm 1971 đến tháng 4 năm 1977 mẹ được phân công làm trợ lý Chính sách, Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 9. Tháng 05/1977 mẹ được nghỉ hưu theo chế độ và sinh hoạt tại Đảng bộ xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng đồng chí vẫn tiếp tục tham gia công tác ở địa phương.

Có thể thấy, ở bất kỳ cương vị nào, mẹ luôn thể hiện là một cán bộ lãnh đạo, chỉ huy gương mẫu, gan dạ trong chiến đấu, quyết đoán và quyết liệt trong từng trận đánh, không ngại hy sinh gian khổ, luôn có mặt ở những nơi khó khăn ác liệt nhất trên chiến trường. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước phong tặng về thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng minh điều đó. Tên tuổi của mẹ gắn liền với những chiến công của Đảng bộ, Nhân dân Kiên Giang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1969, mẹ Trần Thị Quang Mẫn được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cử đi một số nước trong khối xã hội chủ nghĩa để trở thành minh chứng cho thành tích chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam; trở về quê nhà đồng chí lại tiếp tục chỉ huy nhiều trận đánh. Năm 1974 trong một lần máy bay địch ném bom oanh tạc nơi đóng quân, toàn đơn vị xuống hầm trú ẩn. Khi ngớt tiếng bom đồng chí Trần Thị Quang Mẫn lên khỏi hầm thì phát hiện gần đó có một thiếu phụ mang thai bị chết nhưng thai nhi trong bụng còn thoi thóp. Đồng chí liền dùng dao găm rạch trên bụng người mẹ để cứu một bé gái. Bé gái được đặt tên là Ngọc Hân và trở thành con gái của đồng chí. Đây là nguồn an ủi của đồng chí Sáu Mẫn cho đến ngày hôm nay.

Hơn 32 năm tham gia cách mạng, 75 năm tuổi Đảng là một quá trình dài với nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, nhiệm vụ nào cũng nặng nề khó khăn, nguy hiểm nhưng với bản lĩnh chiến đấu, bản lĩnh chỉ huy và lòng quả cảm, mẹ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội tin yêu. Trong cuộc sống đời thường đồng chí luôn giản dị, hòa đồng, mẹ luôn được đồng chí, đồng đội, bạn bè và Nhân dân yêu thương, quí mến. Trong gia đình, mẹ vừa là  đồng chí, vừa là người chồng, người mẹ, người bà mẫu mực.

Người con anh hùng của quê hương Kiên Giang đã về cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh. Kiên Giang mất đi người mẹ Việt Nam anh hùng, biểu tượng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay; người chiến sĩ Anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân. Bạn bè, đồng chí, đồng đội mất đi một người bạn chiến đấu, người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và nhân hậu.

Trước linh cữu của đồng chí Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ Việt Nam anh hùng, quân và dân Kiên Giang  mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, cho quê hương Kiên Giang. Những đóng góp của đồng chí cho dân, quân đội, lực lượng vũ trang Kiên Giang lưu truyền mãi mãi. Đảng bộ, Nhân dân, Lực lượng vũ trang Kiên Giang sẽ đoàn kết chặt chẽ một lòng xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp. Lực lượng vũ trang luôn luôn là lực lượng tin cậy bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân như đồng chí hằng mong muốn.

Với những thành tích đã đạt được trong quá trình công tác, chiến đấu, mẹ Mẫn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:
- Danh hiệu Vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Huân chương Độc lập hạng Ba.
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba.
- Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất
- Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
- Huân chương quân kỳ quyết thắng.
- Huân chương chiến sĩ vẽ vang hạng nhất, nhì, ba; nhiều Bằng khen và giấy khen khác.
- Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.