Tác giả: Trúc Nhã
Rồi chẳng hiểu làm sao, buổi trưa hôm ấy nhà tôi vẫn có một lọ hoa loa kèn thật đẹp. Lọ hoa đặt trên bàn, cạnh cái giá vẽ của Ba. Tôi đi lại lăng xăng quanh chỗ ba ngồi. Lúc thì dí sát mũi ngửi hoa. Lúc thì hỏi Ba cách pha màu sơn dầu. Đến chiều thì Ba hoàn thành bức phác thảo chì và một chút màu nền.
Cô cháu ở SG nhắn tin:
-Dì ơi, dì còn giữ bức tranh nào của ông ngoại vẽ không? Cái bức loa kèn ấy.
-Dì vẫn giữ. Sao thế?
-Là tại cháu hôm nay đặt hoa loa kèn ở Hà Nội gửi vào, rồi cắm vào lọ gốm làm bằng tay. Tự nhiên nhớ ông ngoại, dì ạ. Bây giờ mới thấy ông mình tinh tế quá. Giá mà ông còn sống, cháu mua những thứ đẹp đẹp tặng ông. Chắc là ông sẽ vui lắm.
Tự nhiên, rơm rớm nước mắt, trách yêu cô cháu sao tự dưng lại chọn đúng ngày ông trời ẩm ẩm hiu hắt để nhắc chuyện ngày xưa. Chuyện ngày xưa, dù bất kể nó là vui hay buồn cũng làm cái thằng người của tôi chùng lại, mong manh. Chẳng gì Ba tôi, là ông ngoại cô cháu gái cũng là người truyền dạy cho tôi bao nhiêu kiến thức về nghệ thuật, cho tôi một dáng vẻ tâm hồn ngày hôm nay.
Nhà tôi ở gần bến sông – cái bến nổi tiếng thành phố mà dân Thành Nam quê tôi hay gọi là Đầu Mom, nơi đã đi vào thơ ca trấn Sơn Nam Hạ những câu thơ bất hủ của Tú Xương ca ngợi vợ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng…”
Chớm hè, những gánh hàng hoa từ bên kia sông lũ lượt rời đò ngang, leo dốc để sang bên này. Những gánh hàng hoa làm sáng bừng lên khu phố nghèo vì sắc màu và cũng vì những giọt nước hoặc sương long lanh còn bám vào những cánh hoa. Hoa khi đó rẻ lắm. Nhưng vẫn bị coi là thú chơi xa xỉ của những gia đình có điều kiện. Mỗi kỳ tuần rằm, gánh hàng hoa sang phố đông hơn. Nên từ sớm mẹ đã nhắc tôi ra mà xem người ta gánh hoa sang rồi đấy. Mua được hoa lúc sớm nhất là được chọn những bông hoa tươi. Muốn chọn gì cũng dễ. Hoa cắm lọ và hoa gói để ban thờ. Rồi cả hoa ngọc lan, hoa bưởi và móng rồng. Mùa nào hoa nấy. Đến mùa hoa loa kèn, tôi sẽ mân mê cả buổi sáng với những bông chúm chím trắng xanh. Mua thì ít mà thích cái cảm giác được hòa lẫn vào các gánh hàng hoa thì nhiều, tha hồ hít hà cái mùi thơm thơm ngọt ngọt. (Mùi thơm thơm, ngọt ngọt ấy tôi cứ thấy như vương trên cổ người yêu sau này). Được cái, những bà, những chị bán hoa chẳng ai khó tính. Nhiều bà nhiều chị còn quen mặt tôi. Khoái trá vô cùng.
Ba tôi thích chơi hoa, nhưng ngặt nỗi không phải lúc nào nhà cũng dư dả tiền để mua hoa về cắm. Tiền lương đều do Mẹ tôi quản rất chặt. Ba là bộ đội về hưu non rồi làm nghệ thuật, Mẹ làm cán bộ nhà máy. Nuôi mấy đứa con chỉ có mẹ mới thu vén nổi. Vào dịp cuối tháng nếu chúng tôi phải đóng tiền học nhiều mẹ nhịn ăn sáng thường xuyên. Mà bữa trưa đến nhà máy cũng chỉ muối vừng.
Bữa đó, gánh hàng hoa sang phố đông quá, hoa loa kèn kĩu kịt đi qua ngõ. Ba tôi lững thững ra xem, một lát quay về bảo:
-Mẹ mày đưa tiền Ba đi ra mua bó hoa.
Mẹ thừ người một tẹo rồi quay vào buồng (ngày ấy quê tôi gọi là buồng chứ không gọi phòng cảnh vẻ như bây giờ) rồi chìa cái túi vải ra cho Ba xem. Cái túi vải ngày xưa các Mẹ hay dùng để đựng tiền, rồi lấy kim băng cài cạp quần lụa đen ấy. Túi vải rỗng tuếch, chỉ còn vài đồng lẻ.
-Ba tôi cười. Thế là hết tiền rồi hả?
-Hết rồi. Mẹ tôi nói gọn lỏn. Cảm giác như có lỗi với Ba.
Ba tôi lại gần cái tủ trà gỗ lát (À, ngày ấy có tủ gỗ lát là sang phết đấy) lấy chiếc đàn vilon xuống. Cái dáng đi tập tễnh vì bị thương một chân nó cứ đung đưa, đung đưa trước mắt tôi. Ba chìa cây đàn cho Mẹ, nói:
-Mẹ nó xem có ai mua thì bán đi.
-Sao lại thế? Cái đàn này Ba nó giữ bao nhiêu lâu rồi.
-Thôi bán đi. Tôi không muốn đàn gì nữa. Với lại cũng đang cần mua một ít màu sơn dầu.
- Cũng chỉ hơi khó vài bữa thôi. Tôi sắp có lương rồi. – Mẹ tôi ngập ngừng, ba nó cất đi. Để tôi nghĩ cách.
Tôi đang nghịch ngoài sân, nghe loáng thoáng Ba Mẹ bàn chuyện bán đàn thì chạy vọt vào nhà như con mèo, ôm lấy cây đàn mếu máo.
-Không cho Mẹ bán đàn đâu. Để con sang nhà cô Mão vay tiền mua màu cho Ba.
Ba Mẹ tôi không dám giữ cây đàn vì sợ giằng co với tôi làm rơi vỡ. Thế là tôi ôm cây đàn khư khư chạy sang nhà cô Mão. Ba tôi tập tễnh không đuổi theo được. Còn mẹ gào lên sau lưng bảo tôi “dừng lại, không được sang”. Tôi cũng chẳng chịu nghe.
Nhưng nhà cô Mão khóa cửa. Tôi lủi thủi ôm đàn đi về.
Ba tôi thấy tôi về thì ôm tôi, bảo:
-Cái tính đàn ông như này rồi thì đời con khổ. Thôi đưa đàn đây ba cất đi.
Lúc ấy tôi nghe chẳng hiểu gì, vẫn phụng phịu.
-Ba không được bán đâu đấy. Bán đi lấy gì đàn cho con nghe?
Rồi chẳng hiểu làm sao, buổi trưa hôm ấy nhà tôi vẫn có một lọ hoa loa kèn thật đẹp. Lọ hoa đặt trên bàn, cạnh cái giá vẽ của Ba. Tôi đi lại lăng xăng quanh chỗ ba ngồi. Lúc thì dí sát mũi ngửi hoa. Lúc thì hỏi Ba cách pha màu sơn dầu. Đến chiều thì Ba hoàn thành bức phác thảo chì và một chút màu nền.
Xong xuôi, ba đứng dậy đàn một bài gì đó, tôi vẫn nhớ chút ít: "Ơ... có những ngày vui sao cả nước lên đường xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục... Ơ... xóm dưới làng trên con trai con gái, cơm nắm xôi đùm ríu rít theo nhau, súng nhỏ súng to chiến trường chật chội. Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu...."
Tôi thấy bức họa loa kèn lộng lẫy trong ánh chiều buông. Tôi thấy Ba như một diễn viên điện ảnh. Tôi quên mất phải ăn hạt bo bo thay cơm.
Bẵng đi vài tuần. Tôi không thấy chiếc đàn còn ở chỗ cũ nữa. Thì ra Ba đã lén tôi mang đi bán để mua màu. Thảo nào, mấy tuần liền nhà tôi lúc nào cũng có hoa loa kèn để trên bậu cửa sổ.
Hôm nay, người ấy bảo tôi tính đàn ông làm mắt tôi chợt nhòe. Nghe như thân thương của ngày bé phụng phịu với Ba tôi ùa về gấp gáp lắm. Ba tôi về cõi trời đã lâu rồi, chẳng còn ai nói nhắc nhở tôi điều đó. Bỗng thấy cuộc đời nhoáng cái đã qua thật nhanh. Rốt cuộc, con người mãi không thể lý giải nổi vật chất và tinh thần cái nào quan trọng hơn?
Rồi, mai tôi sẽ đi kiếm ít bông loa kèn về cắm. Cho thân thương ở mãi bên tôi. Mặc kệ cuộc đời.
Trúc Nhã, 15/3/2021
Hoặc