70 năm như mới ngày hôm qua, trên hành trình gần 3/4 thế kỷ ấy, người Hà Nội luôn giữ ký ức “ngày về hào hoa” trong tim, làm hành trang để khơi dòng chảy phát triển không ngừng trên mảnh đất đón đoàn quân Giải phóng năm nào.
1. Tôi hay thương nhớ Hà Nội qua câu hát - những câu hát đã đi suốt dọc chiều dài tháng năm, từ “lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung, ngói tan, gạch nát”, cho đến “một thời hòa bình” với “những đêm hoa sữa thơm nồng” trên phố. Ở đó, người Hà Nội, dù trong khói lửa đạn bom, hay trong dựng xây cuộc sống thời bình, cứ hiện lên bình dị, đời thường, mà hào hoa, cốt cách đến lạ lùng.
Bà nội tôi - cô gái Phố Cổ thời Hà Nội đạn bom năm nào, hay dạy tôi từ thuở chập chững đến trường học chữ, học làm người: “Con cứ nghe các bài hát hay về Hà Nội thôi là đã đủ thấy một Hà Nội trường đoạn mà anh hùng, người Hà Nội bình dị nhưng sắt son một niềm tin ở tương lai”.
Bà nói đúng thật, những ngày này, lật giở lại những khúc ca khải hoàn ghi bóng dáng ngày Thủ đô giải phóng năm nào, càng thấy thấm lời bà nói. Hà Nội ngay cả “lúc bom rơi thời chiến tranh, đất rung, ngói tan, gạch nát”, thì “em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới” và tình yêu đôi lứa lúc ấy cũng là “khúc quân ca, là ước mơ xa hướng lên Ba Đình” (“Nhớ về Hà Nội” - Hoàng Hiệp). Khi “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng, ầm ầm rung”, thì người Hà Nội “thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng. Bùng cháy góc phố ta ơi, vùng lên chiến sĩ ta ơi!”.
Cả khi “Trời Hà Nội đỏ máu, bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày”, thì người Hà Nội vẫn sắt son niềm tin “Ầm ầm cười tiếng súng vui thay vang ngày mai sáng láng. Mai này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta” (“Người Hà Nội” - Nguyễn Đình Thi)…
Hiển hiện ở đó hình ảnh những con người Hà Nội hào hoa, phong nhã; con người Hà Nội với tất cả tình cảm sắt son và sự phóng khoáng trong tâm hồn của người Tràng An. Chính cái hào hoa, phong nhã đã được ghi dấu là “truyền thống cha ông, gìn giữ non sông từ thuở Thăng Long vẫn in trong lòng” đó là sức mạnh để người Hà Nội có ngày hào hùng “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về… Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây” (“Tiến về Hà Nội” - Văn Cao). Chính cái hào hoa, phong nhã đó đã cùng người Hà Nội đi tiếp hành trình 7 thập kỷ để làm nên bao đổi thay rạng rỡ của đất và người hôm nay.
2. Nhìn Hà Nội hôm nay trong hoài niệm về một Hà thành thâm trầm thuở nào mới thấy những cung bậc kỳ diệu của đổi thay. Đô thị hóa đã biến một đô thị có diện tích gần 130km2, dân số khoảng 350 ngàn người vào năm 1955 cho đến khi được mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đến nay, trở thành 1 trong 17 TP lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 3.324,92km2, dân số xấp xỉ 8 triệu người. Hà Nội hôm nay đích thực là một đô thị hiện đại với hàng trăm cao ốc, những cây cầu vắt qua sông Hồng, những cây cầu vượt băng qua ngã tư, những hầm đường bộ xuyên qua lòng đất, những đường vành đai trên cao giải tỏa bớt áp lực giao thông đô thị, cả những chuyến tàu điện cao tốc vượt phố trong phút giây…
Không thể nào quên dấu mốc năm 1985, người Hà Nội hân hoan đón chào 2 cây cầu mới băng qua sông Hồng, chấm dứt cảnh tắc nghẽn, dồn ứ trên cây cầu Long Biên huyền thoại. Cầu Thăng Long hai tầng bề thế khánh thành ngày 9/5/1985, cầu Chương Dương vượt tiến độ 12 tháng, khánh thành vào ngày 30/6/1985. Còn nhớ độ đó, người Hà thành cắt ngày cắt buổi để có cơ hội được đứng trên những nhịp cầu mới, nhìn ngắm con nước sông Hồng chảy tít tắp đến tận chân trời.
Còn nhớ độ đó, bác tôi ở tận Hải Phòng cũng kỳ công làm chuyến xe lên Hà Nội để được thênh thang trên tầng 2 của cây cầu Thăng Long hiện đại nhất Việt Nam lúc đó… Thì rõ, Hà Nội luôn là Thủ đô trái tim của cả nước, người Hà Nội hay người ở các miền đất nào của đất nước cũng một lòng hướng về mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long để chào đón và tự hào.
Cũng không thể nào quên dấu mốc 10/10/2002, cầu vượt Ngã Tư Vọng - cây cầu cạn nút giao đầu tiên có đường hầm dành cho người đi bộ của Hà Nội, chính thức đi vào đời sống người Hà thành. Cây cầu ấy không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, tạo các hướng lưu thông thông suốt trên hướng xuyên tâm và Vành đai 2, mà còn thêm nét cong hiện đại vào diện mạo giao thông TP phía Nam Thủ đô. Còn nhớ độ đó, tôi cũng hòa trong dòng người đô thị đi bộ lên cây cầu cạn để đưa tầm mắt ngắm nhìn Ngã tư Vọng mới kết giao hai trục đường Trường Chinh - Giải Phóng như một bức tranh đô thị thời hiện đại.
Giờ thì vắt qua sông Hồng đã có thêm bao cây cầu mới: Thanh Trì, Đông Trù, Nhật Tân… hòa nhịp vào giấc mơ sông Hồng mà người TP đang ấp ủ; phía trên cây cầu vượt Ngã Tư Vọng đã là con đường Vành đai 2 như một dải lụa trên cao; rồi bao cầu cạn nút giao, những hầm đường bộ xuyên qua các ngã tư trong TP… Hà Nội “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ” thuở xưa, nay vẫn không khí đô hội ấy, song đã trong một dáng vẻ hiện đại và năng động.
Đấy là chưa kể, hành trình chỉnh trang và tái thiết đô thị hiện đại đã cho người Hà thành tự hào với xu hướng sáng tạo trong việc làm đẹp bộ mặt phố phường đô thị. Trong khoảng 15 năm kể từ ngày con đường gốm sứ ven sông Hồng chạy dọc qua các tuyến phố Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Yên Phụ - Nghi Tàm, Hà Nội ngày càng nhiều thêm các phố bích họa, đường bích họa, ngõ bích họa. Nghệ thuật đường phố ấy làm sáng lên các bức tường xóm phố, triền đê, kéo Hà Nội đến gần với xu hướng làm đẹp đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới. Đúng như ai đó đã nói: “Nhìn từ trên cao, Hà Nội có khác gì Thủ đô của các nước phát triển đâu!”
3. Sống ở Hà Nội hôm nay trong hoài niệm về một Thủ đô ngày mới giải phóng mới thấy những cung bậc kỳ diệu của đổi thay. Chuyển đổi số hóa thân vào đời sống đô thị không chỉ mang đến cho Hà Nội phong thái hiện đại, tư thế sẵn sàng hội nhập thế giới, mà còn cho người Hà Nội cảm nhận rõ nét sự tiện dụng tuyệt vời ở chốn đô thị đông đúc và hối hả.
Ký ức Hà Nội vẫn thấp thoáng dáng hình những bách hóa tổng hợp, cửa hàng mậu dịch… mà người Hà Nội nào đi qua thời ấy cũng cảm thấy gắn bó, thân thương. Ký ức Hà Nội còn ghi dấu những tháng ngày mang tờ lý lịch kèm theo sổ hộ khẩu ra phường lấy dấu xác nhận, hôm sau ra lấy về; ghi dấu những ô cửa kính tiếp nhận thủ tục làm hộ chiếu, làm chứng minh Nhân dân… mà phía trước cả dãy người xếp hàng chờ đến lượt. Ký ức Hà Nội vẫn cứ mênh mông những ngày Hè đổ lửa, sĩ tử muôn nơi “lai kinh ứng thí”… Đến ngày vui mừng đỗ đại học lại nô nức “khăn gói quả mướp” lần nữa lên đô thành, sĩ tử ở Hà Nội thì cũng ngấp nghé cả buổi xếp hàng chờ đến lượt rà soát hồ sơ “qua cửa” làm thủ tục nhập học…
Giờ mọi thứ đã khác, thương mại điện tử ào vào đời sống, chương trình chuyển đổi số được triển khai hối hả ở khắp các sở, ngành, đơn vị, hành trình đổi mới căn và toàn diện giáo dục đào tạo cũng mang lại bao đổi thay trong hệ thống giáo dục ở Hà Nội. Câu chuyện chuyển đổi số tưởng xa vời với tuổi thất thập, tóc pha khói sương, thế mà cứ rộn ràng, hứng khởi với việc trả lương hưu qua ATM, Thẻ Bảo hiểm y tế được cập nhật trên hệ thống VnID mức độ 2, việc cấp hộ chiếu online, rồi tuyển sinh trực tuyến, nhập học trực tuyến…
Đúng là rất nhiều nhu cầu của cuộc sống mà trước đây người Hà thành phải dành thời gian và công sức đi lại, thì nay đã được giải quyết gọn nhẹ thông qua vài cái nhập chuột trên hệ thống. Tôi đã thấy trong ánh mắt của thế hệ đã kinh qua cuộc đời ánh lên niềm tin vào những đổi mới đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại nơi Hà thành đô hội khi nói về tiện ích cuộc sống: “Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được ghi nhận là một trong các tỉnh, TP đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính”.
Thì rõ, Hà Nội xưa nay vẫn là nơi hội tụ bốn phương. Mảnh đất nghìn năm văn hiến này đang là nơi tập trung tầng lớp “tinh hoa” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính và các hệ sinh thái công nghệ số với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới, sáng tạo. Đó chính là nguồn lực tiềm tàng để làm nên những cung bậc kỳ diệu của đổi thay ở Hà Nội.
4. Hai năm vừa qua, TP dồn tâm sức thực hiện cùng lúc 3 việc lớn - bộ ba thể chế hoạch định sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong tương lai: xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ở đó, Hà Nội trong tương lai sẽ là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - một Thủ đô được phác họa như bức tranh giao hòa giữa bản sắc và hiện đại, giữa tự hào và quyết tâm vươn tới, giữa quan điểm giữ gìn cốt cách người Hà Nội và tư thế sẵn sàng hội nhập để tỏa sáng; một Thủ đô với 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực - 5 vùng kinh tế - xã hội - 5 vùng đô thị, chuyên chở theo trong đó cả những giấc mơ về TP ven sông Hồng, TP khoa học công nghệ, TP đổi mới sáng tạo...
Ký ức “ngày về hào hoa” 70 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tim để đồng hành cùng người Hà Nội trên hành trình tới tương lai. Chắc chắn những cung bậc kỳ diệu của đổi thay sẽ tiếp tục thăng hoa trên hành trình hiện thực hóa khát vọng về Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đã được hoạch định.
Theo Báo Kinh Tế Đô Thị
Hoặc