anh-1-1709970672.jpg

NSƯT Hương Giang thể hiện ca khúc "Đất nước"

Phóng viên: Thưa chị Hương Giang, giải thưởng nào là giải thưởng mà chị cảm thấy để lại cho mình nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất?

NSƯT Hương Giang: Trong một cuộc thi toàn quốc năm 2008, Hương Giang được chọn đóng nhân vật chị Sứ - nữ anh hùng Phan Thị Ràng trong vở nhạc kịch của chú An Thuyên chuyển thể từ tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Vai chị Sứ để lại cho Hương Giang rất nhiều ấn tượng, và đó cũng là một bước ngoặt thay đổi cách hát của Hương Giang. Khi đóng trong vở nhạc kịch này, Hương Giang phải xuất hiện trong ba màn liên tục, không chỉ hát mà còn phải thoại nữa. Trong mạch cảm xúc đó, Hương Giang khóc hơi nhiều nên cũng lo vì mình không phải là diễn viên kịch, nên điều tiết cảm xúc khó. Sau một thời gian tập khoảng 15 ngày, Giang bắt đầu điều tiết được cảm xúc và phần thi của Giang khá tốt. Giáo sư Trung Kiên có bảo Giang thi rất tốt và Giang nghĩ đó là một thành công và để lại ấn tượng nhất.

Phóng viên: Với chị Hương Giang, có phải con đường đến với âm nhạc rất dễ dàng nhờ sự hậu thuẫn từ người chú của mình là nhạc sĩ An Thuyên? 

NSƯT Hương Giang: Thật ra Giang và một số đồng đội nữa khi bước vào con đường nghệ thuật ít ai được trải hoa hồng lắm, trừ khi một số rất ít đếm trên đầu ngón tay. Với Giang, các bạn học một thì Giang phải học một trăm lần vì tính nhút nhát của mình. Giang ở quê ra, không được tiếp xúc nhiều với những công nghệ mới. Lúc Giang đi học, năm 1994, ở quê chưa có điện, trước đó không có gì ngoài nghe ca nhạc trên đài FM cho nên Giang không cập nhật được nhiều. Cùng với tính nhút nhát nữa cho nên là mọi thứ đến rất chậm, tối nào gần như Giang cũng phải lên những phòng học bỏ trống và tự luyện tập. Con đường âm nhạc đến với Hương Giang không hề dễ dàng tí nào, vì sau đó phải trải nghiệm rất nhiều sân khấu và đi đến tất cả các nơi vùng sâu vùng xa để biểu diễn. 

Phóng viên: Lý do vì sao chị Hương Giang yêu dòng nhạc truyền thống cách mạng, luôn mong muốn tìm, làm mới, lan tỏa và truyền cảm hứng đến với những người trẻ?

NSƯT Hương Giang: Hương Giang được sinh ra trong cái nôi âm nhạc. Bên cạnh đó, Giang đã đi đến rất nhiều miền quê của Việt Nam. Dân ca Bắc, Trung, Nam Giang đều yêu thích, làn điệu dân ca ở đâu Giang cũng thấy hay. Tất cả mọi người lớn lên cũng giống như mình lớn lên trong những lời ru của mẹ. Điều đó thôi thúc Giang rất nhiều. Giang cảm thấy đó là giá trị văn hóa của người Việt Nam và mình không thể lãng quên. 

Thậm chí, bây giờ có rất nhiều tác phẩm đang được cải biên, dựa trên một chất liệu dân ca để phát triển những ca khúc hay. Giang nghĩ đó là một đường hướng rất tốt và cũng được đưa vào trong giáo trình thanh nhạc của các trường rất nhiều. Trong luận văn Thạc sĩ của mình, Giang cũng đưa phần đó vào nghiên cứu, cụ thể là mang kỹ thuật hát thanh nhạc đưa vào hát dân ca. Vì lý do đó cho nên Giang và ông xã Xuân Nguyên đang có một dự án dài hơi về phát triển các ca khúc mang âm hưởng dân ca và các ca khúc cách mạng. Từ đó, gửi gắm, lan tỏa đến đến tất cả mọi người những giá trị tốt đẹp của những ca khúc đã đi theo dòng lịch sử. 

Phóng viên: Không biết chị Giang có gặp phải những sự hoài nghi khi là cháu của cố nhạc sĩ An Thuyên hay không?

NSƯT Hương Giang: Giang gặp khá nhiều áp lực khi hát bài của chú Thuyên. Thứ nhất vì là người nhà. Thứ hai vì Giang không muốn mọi người nghĩ vì là cháu của nhạc sĩ An Thuyên nên mới thế này thế kia. Giang rất nỗ lực, thậm chí có lúc chú cũng chưa tin Giang có thể hát được bài đó hay không, nhưng Giang vẫn âm thầm, quyết liệt và tự ôn, tự tập. Đến khi nhận huy chương rồi, Giang quay về và báo cáo với chú Thuyên rằng mình đã được huy chương vàng rồi. Liên tục trong 3 năm sau vai chị Sứ, Giang còn được một huy chương bạc và một huy chương vàng toàn quốc. Mới đầu, có thể mọi người hoài nghi có một sự nâng đỡ nào đó nhưng về sau thì Giang đã hoàn toàn hoạt động độc lập và chứng minh cho họ thấy mình có năng lực thật sự. Việc mà Giang được giải hay quay lại Trường Quân đội dạy là năng lực của mình chứ không phải vì ai.

Phóng viên: Việc chị nhìn thấy lớp trẻ chưa có nhiều tình yêu, sự quan tâm với dòng nhạc cách mạng có phải cũng là lý do khiến mình đau đáu muốn làm mới, làm tươi trẻ hơn dòng nhạc cách mạng, dòng nhạc dân gian?

NSƯT Hương Giang: Khoảng 10 năm trở lại đây, âm nhạc dân gian được mọi người yêu thích rất nhiều. Các nhạc sĩ cũng đã hòa mình vào hơi thở của thời đại. Họ sáng tác theo âm hưởng dân gian của các vùng miền và phát triển thành những ca khúc rất hay. Trong môi trường làm việc của Giang, các em được chia ra ba dòng rõ ràng là: dân gian, thính phòng và nhạc nhẹ. Các bạn hát dân gian tất nhiên yêu dân gian, nhưng cũng có một số bạn đang học thính phòng vẫn có thể hát được dân gian. Mình đã chứng kiến những em học thính phòng rất tốt nhưng khi đi biểu diễn thì chỉ hát những ca khúc dân gian, chứng tỏ nhu cầu nghe dòng nhạc dân gian rất nhiều. Vì điều đó nên mình nghĩ rằng mình phải làm sao để những ca khúc dân gian được mới mẻ hơn và có hơi thở của thời đại. Mình phối lại, tức là sắp xếp lại cấu trúc hoặc thêm bớt một chút để làm cho nó mới nhưng không mất đi hồn cốt của tác phẩm. Đó là nỗi đau đáu nhất mà Hương Giang và Xuân Nguyên luôn nghĩ đến để đưa những tác phẩm dân gian đến với mọi người nhiều hơn.

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ một chút về những sản phẩm âm nhạc mới trong năm 2023?

NSƯT Hương Giang: Một số sản phẩm âm nhạc theo dự án của Giang và Xuân Nguyên thường đi theo các sự kiện của đất nước, ví dụ nhân dịp 133 năm ngày sinh nhật Bác, Hương Giang và Xuân Nguyên quyết định ra bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Có rất nhiều bài hát ca ngợi Bác, nhưng Giang và Xuân Nguyên chọn bài hát đó vì nó giống như lời di chúc của Bác để lại. Hãy yêu quê hương tổ quốc mình. Trong những giây phút cuối cùng của Bác, Bác không phải muốn nghe hát mà Bác muốn một nghe một câu hò Xứ Huế, một câu hò Xứ Nghệ, một câu hát Quan họ vì Bác muốn tất cả những miền hội tụ về một mối, yêu thương nhau vì lúc đấy đất nước chưa được thống nhất. Giang nghĩ đây là một ca khúc cần được lan tỏa rộng tới lớp trẻ bây giờ. Thậm chí các em không còn nghe đến nhiều hoặc có nghe thì cũng trôi qua mất. Đó là lý do Giang muốn lan tỏa rộng rãi nhất đến tất cả mọi người.

Trước đó, ca khúc đã thành công với các nghệ sĩ tên tuổi và gần như đóng đinh trong một giai đoạn dài sau khi ca khúc ra đời. Năm 1998, Giang đã từng hát một lần trong cuộc thi Mùa xuân của người chiến sĩ của Tổng cục Chính trị Quân đội tổ chức tại Hà Nội. Lúc đó Giang được giải Nhì. Sau hơn 20 năm, Giang hát lại bài hát đó với tâm thế của một người trẻ nhận thức lại vấn đề. Không còn buồn khổ như lúc mà Bác mất nữa, mình đã thay đổi cách hát, trong sáng hơn, như một sự tiếp nhận của quá khứ và mình lấy đó làm động lực để đi tiếp trên con đường của những người đi trước. 

Phóng viên: Với những sản phẩm âm nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả giống như ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, việc mình làm mới có tính đến chuyện nhận được những ý kiến trái chiều hay đôi khi là không được chấp nhận không?

NSƯT Hương Giang: Thật ra mình làm mới vẫn trong khuôn khổ có thể cho phép vì người nhạc sĩ làm nhạc cho mình là một người rất chuyên nghiệp và họ nhìn nhận vấn đề giống như một sự giao thoa âm nhạc giữa những năm 80 và bây giờ. Vẫn là dân ca đó nhưng được phối với hơi thở của bây giờ thì các ca khúc đó được đón nhận rất là dễ dàng.

anh-2-1709970747.jpg

NSƯT Hương Giang và nhà báo Vương Xuân Nguyên

Phóng viên: Không biết anh Xuân Nguyên đã đồng hành, chia sẻ cũng như là ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của chị như thế nào đến thời điểm hiện tại? 

NSƯT Hương Giang: Giang phải cảm ơn Xuân Nguyên rất nhiều. Từ khi có Xuân Nguyên, tất cả những ca khúc của Giang được chắp cánh rất tốt. Tất cả những ca khúc trong dự án đã làm rồi và tiếp theo nữa thì Nguyên cũng là người định hướng Giang rất nhiều về mọi thứ. Nguyên là một người biết chia sẻ, có thể nghe Giang tập bài cả buổi trên xe mà không thấy mệt mỏi. Giang nghĩ đó là một người rất yêu âm nhạc chứ không phải cố chịu đựng. Mỗi một ca khúc Giang thu thì Nguyên có thể nghe cả trăm lần và không thấy chán. 

Bên cạnh đó, Nguyên định hướng cho Giang rất tốt về cách chọn ca khúc nào, trong thời điểm nào, như thế nào thì nó phù hợp và để lại ấn tượng với quý vị khán giả. Thật ra Xuân Nguyên không phải người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc mà Nguyên là một nhà báo chính luận. Do có nhiều năm trong nghề nên nhãn quan của một người nhà báo thừa sức để làm được điều đó. 

Nhân tiện đây, Giang cũng muốn chia sẻ một điều với mọi người đang làm trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc là các em sinh viên. Mình có thể tự tỏa sáng trên không gian mạng mà không nhất thiết phải chờ đến khi mình ra trường hoặc chờ một đơn vị nào đó để tiếp xúc, chờ một sân khấu nào đó để hỗ trợ mình tỏa sáng. Bởi quá trình này lâu và chậm trong giai đoạn 4.0 như bây giờ.  

Các bạn có thể hát và đưa sản phẩm mình lên không gian mạng một cách thoải mái, trong khuôn khổ mà mình đã được định hướng, đã được học. Song song đấy cần cẩn thận vì ở không gian mạng có rất nhiều luồng thông tin khác nhau và với xu thế hội nhập âm nhạc ồ ạt, mình không được quá dễ dãi với tất cả những sản phẩm âm nhạc không đủ chất lượng. Ví dụ, lời hoặc âm nhạc không tốt thì mình cũng phải nhìn nhận được hoặc mình là nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm định hướng lại những thông tin sai lệch hoặc những thế lực thù địch. Người nghệ sĩ, chiến sĩ như Giang phải có trách nhiệm lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, nhất là phải dùng tiếng hát của mình để để lan tỏa giá trị đó.

Phóng viên: Trong môi trường quân đội, nếp sống chỉn chu, kỷ luật, nguyên tắc đã tạo thêm những kỹ năng phục vụ cho cuộc sống cũng như trong âm nhạc của mình phải không?

NSƯT Hương Giang: Hương Giang rất biết ơn khi được đứng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và trường Nghệ thuật Quân đội là mái trường cũng như là ngôi nhà thứ hai của Giang, giúp cho Giang thực hiện được ước mơ của mình. Vì thế cho nên Giang phải có trách nhiệm hơn với nghĩa vụ là một người lính. Có những chiến sĩ đi đến vùng sâu vùng xa hoặc là vùng biên giới hải đảo, dành cả thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc, mình ở đất liền, ở một môi trường tốt như vậy tại sao mình không làm việc nhiều hơn nữa để xứng đáng với những tấm gương đó?

Phóng viên: Năm 2024, chị có dự định hoặc dự án nào ấp ủ, mong muốn được gửi đến khán giả không?

NSƯT Hương Giang: Giang và Xuân Nguyên vẫn luôn xác định khoảng trong 2 năm thì làm mới khoảng 300 ca khúc nhạc dân ca và cách mạng. Trên con đường đó thì còn làm các MV theo các sự kiện theo từng giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên không phải tất cả đều là ca khúc cách mạng hoàn toàn mà đôi khi chỉ là ca khúc về quê hương, đất nước, về những dòng sông, … Một số ca khúc gần như không được nhắc đến nhiều nữa ở các sự kiện, vì có những ca khúc mới, có những hơi thở mới mà người nghe và lớp trẻ thích hơn. Mình phải có trách nhiệm làm mới lại những ca khúc đó để mang lại sức sống cho các bài hát. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn chị!