Hà Giang có núi non hùng vĩ với đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.419 m; địa hình và khí hậu ở đây đã tạo cho tỉnh một môi trường sinh thái độc đáo với thảm thực vật phong phú, có những khu rừng nguyên sinh nhiều gỗ quý, trên 1000 loại cây dược liệu và nhiều động vật quý hiếm Riêng ở Tây Côn Lĩnh đã thống kê được 47 loài thú, 140 loài chim thuộc 25 bộ và 75 họ .Thiên nhiên đã tạo ra và ưu đãi cho Hà Giang nguồn tiềm năng to lớn cả về khí hậu, đất đai, khoáng sản và nhất là tài nguyên du lịch .

Từ đặc điểm lợi thế tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc trong vùng, bài viết đề cập đến một số khía cạnh ảnh hưởng đến phát triển văn hóa du lịch của một tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triẻn, để cùng trao đổi.

Hà Giang , đặc điểm và những lợi thế tự nhiên

Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới, do địa hình núi cao, khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Về cơ bản, khí hậu mang tính chất của vùng núi cao Việt Bắc- Hoàng Liên Sơn, song mát mẻ và lạnh hơn vùng Đông Bắcvà ấm hơn các tỉnh phía Tây Bắc. Chế độ mưa ở đây phong phú với lượng mưa hàng năm trung bình từ 2.300 mm đến 2.400 mm, Riêng Bắc Quang, một trong những trung tâm mưa lớn nhất, lên tới 4.000 mm (Wikipedia 2020).

Từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình, Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông-lâm, ngư nghiệp. Tỉnh đã hình thành ba vùng sinh thái với những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khác biệt, mỗi vùng đều có tiềm năng và thế mạnh riêng.

Vùng cao núi đá phía Bắc gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ có diện tích tự nhiên 2.352,7 km2 và dân số trên 20 vạn người, chiếm 34,3% dân số toàn tỉnh. Do khí hậu rét đậm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, toàn vùng thích hợp để phát triển các loại cây ôn đới, trồng được cây dược liệu và các loài cây ăn quả như mận, đào, lê, táo; cây lương thực chính là ngô. Ngoài ra, còn có lợi thế phát triển chăn nuôi bò, dê, ngựa và nuôi ong lấy mật.

Vùng núi đất cao phía Tây bao gồm 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, có diện tích tự nhiên 1.211,3 km2 và dân số chiếm 15,9% cư dân toàn tỉnh. Điều kiện tự nhiên của vùng thích hợp cho phát triển cây trẩu và thông lấy nhựa; cây lương thực chính là lúa nước và ngô. Chăn nuôi chủ yếu là trâu, ngựa, dê và các loại gia cầm. Là đất của chè Shan tuyết, vùng có những chủ nhân là đồng bào Dao, một dân tộc có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chè núi lâu đời

Vùng núi thấp phía Đông Nam, bao gồm các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Đây là vùng trọng điểm kinh tế, có diện tích tự nhiên 4.320,3 km2 và cư dân chiếm trên 49% dân số của tỉnh. Điều kiện tự nhiên vùng này thích hợp để trồng các loại cây nhiệt đới, thuận lợi cho việc phát triển nghề rừng, trồng các loại cây nguyên liệu giấy như bồ đề, mỡ, thông. Đây cũng là vùng tre, nứa, vầu, luồng lớn nhất của tỉnh. Cùng với những lợi thế trên đây, vùng còn có thể phát triển được các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, chanh có giá trị,

Bản đồ tỉnh Hà Giang

Là một tỉnh vùng cao, núi đồi Hà Giang chiếm hơn 3/4 diện tích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thựcvật tự nhiên cũng như rừng trồng. Rừng không chỉ là thế mạnh kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường. Rừng Hà Giang được coi là một trong những khu vực đặc trưng của vùng á nhiệt đới, với nhiều chủng loại cây. Đất rừng thuộc loại lớn trong nước với hơn 345.860 ha đất có rừng và đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp lên tới 263 nghìn ha.Với độ che phủ đạt 42,9% vào giữa thập niên 2010, rừng Hà Giang không chỉ chống xói mòn bề mặt đất, mà còn góp phần quan trọng vào khống chế lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái và cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp giấy, vật tư xây dựng, tạo môi trường cảnh quan hấp dẫn đối với du lịch sinh thái.

Ngoài tài nguyên rừng, nông nghiệp Hà Giang còn có nhiều loài thuỷ sản quý, hiếm, có giá trị đặc biệt. Trên lưu vực sông Gâm có thể tìm thấy các loại tôm, cua, cá ở khu vực đầu nguồn có nhiều ghềnh đá như loài cá Dầm xanh và cá Anh vũ nổi tiếng. Trên dòng sông Lô, nhiều loài tôm, cá theo nước sông Hồng ngược lên, được coi là đặc sản quý hiếm như cá chép, cá bống, cá măng, ba ba. . .

Bản sắc văn hóa dân tộc và những tiềm năng du lịch tự nhiên

Văn hóa được hiểu là Những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn nhờ sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội (Trần Ngọc Thêm 2008)

Nền văn hóa của cư dân Hà Giang được nhìn nhận thông qua các loại hình, chủ thể, không gian và thời gian; bao quát cả về tiến trình và các giai đoạn phát triển.Tính lịch sử văn hóa duy trì bằng truyền thống được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng để đúc kết thành những khuôn mẫu xã hội dưới dạng ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ nghi với cấu trúc bao gồm cả văn hóa vật chất và tinh thần.

Người dân Hà Giang sống trong quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên, cách ứng xử với môi trường tự nhiên là thành tố quan trọng trong hệ thống văn hóa bản địa. Cộng đồng cư dân Hà Giang không chỉ sống trong quan hệ với tự nhiên mà còn cả với môi trường xã hội. Với đặc trưng nổi bật là sự dung hợp, thể hiện bởi tinh thần bao dung, hòa hiếu đã chi phối đến cách ứng xử của con người trong môi trường xã hội

Phân tích lịch sử hình thành, các nhà nghiên cứu nhận thấy: Vào thời Hùng Vương, mảnh đất Hà Giang là một trong 15 bộ của quốc gia Lạc Việt; đến thời An Dương Vương lập nước Âu Lạc, Hà Giang thuộc bộ Tây Vu. Trong thời kỳ đô hộ kéo dài của phong kiến phương Bắc, Hà Giang vẫn nằm trong địa phận Tây Vu thuộc quận Giao Chỉ. Từ đời nhà Lý (năm 1075). miền đất này thuộc châu Bình Nguyên; vào đầu triều đại nhà Trần thuộc lộ Quốc Oai. Địa danh Hà Giang lần đầu tiên được ghi trong bài minh trên chuông chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức huyện Vị Xuyên) vào đầu thời Vua Lê Dụ Tông, năm Ất Dậu (1705). Đến thời nhà Nguyễn, sau những điều chỉnh của vua Minh Mệnh (năm 1835),Thiệu Trị (năm 1842), triều đình nhà Nguyễn quy định Hạt Hà Giang là phủ Tương Yên với bốn huyện Vị Xuyên, Vĩnh Tuy, Vĩnh Điện, Để Định (Wikipedia 2020).

Sau khi đánh chiếm hầu hết các tỉnh Nam, Bắc; năm 1887, thực dân Pháp chiếm Hà Giang và thay đổi chế độ cai trị bằng thiết lập các đạo quan binh. Ngày 28/4/1904, Toàn quyền Đông Dương quyết định sáp nhập tỉnh Bắc Quang và Hà Giang thành Đạo quan binh Hà Giang. Từ đây, Hà Giang được xác định ranh giới rõ ràng và tương đối ổn định.

Lịch sử có những biến đổi thăng trầm, song nền văn hóa cộng đồng của cư dân trong tỉnh vẫn luôn tồn tại. Với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động, Hà giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước. Trong quá trình hình thành và phát triển, Hà Giang đã tao được nền tảng thuận lợi cho mở mang phát triển du lịch lịch sử cội nguồn và du lịch sinh thái.

Nằm ở vùng đất biên cương, Hà Giang được biết đến với những khúc đường cua tay áo, uốn lượn trên những cánh đồng hoa tam giác mạch, trên cao nguyên đá rực rỡ ở phía Bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở các huyện phía Đông Nam, để tạo ra một môi trường cảnh quan độc đáo.

Dọc theo chiều dài từ Bắc xuông Nam, đễ dàng nhận thấy:Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ,Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là một vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất. Những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa, khiến cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành vùng có nhiều di tích và danh thắng quốc gia nổi tiếng như Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, động Én, đèo Mã Pì Lèng và núi Đôi Quản Bạ.

Từ thành phố Hà Giang xuôi về phía Nam chừng 7 km, hệ thống hang động với quần thể Phương Thiện, có nhiều phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp. Động Tiên và Suối Tiên cách thành phố khoảng 2 km, là nơi nhân dân trong vùng thường đến lấy nước và cầu may vào lúc giao thừa. Các hang động ở đây ăn sâu vào lòng núi, cửa hang hep, phải lách người mới qua được nổi. Vào bên trong, lòng hang mở rộng, vòm hang cao vút với nhiều nhũ đá tạo cảnh quan đầy hấp dẫn cùng với những dòng suối nước đổ thành thác.

Quần thể hang Phương Thiện (Hà Giang)

Trên vùng đất cao thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, thiên nhiên đã tạo nên những cảnh quan hấp dẫn với bãi đá cổ Nấm Dẩn và Chiêu Lầu Thi là địa điểm săn mây nổi tiếng.

Xã Nấm Dẩn nằm ở phía Nam, cách trung tâm huyện lỵ Xín Mần chừng 15km. Tại đây đã tìm được trên 80 hình khắc về bàn chân, bàn tay người; ruộng bậc thang và nhiều hình khắc trên đá. Bước đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng, những hình ảnh này đã xuất hiện cách đây trên 2.000 năm trước. Đây là nguồn tư liệu quý về cư dân Việt cổ sống ở vùng đất Hà Giang.

Chiêu Lầu Thi là tên một ngọn núi cao hùng vĩ trên vùng đất của xã Hồ Thầu. Vào những buổi bình minh, vượt qua màn sương dày đặc, leo trên những con dốc khúc khủy du khách có cảm giác đi giữa biển mây.Biển mây nơi đây đẹp tuyệt vời, sắc trắng trải dài được mặt trời soi bóng tựa như  tấm chăn khổng lồ hòa quện vào nhau từng từng, lớp lớp. Có lẽ chính vì điều này, không ít người đã gọi Chiêu Lầu Thi bằng một cái tên bay bổng "Núi 9 tầng mây"(myhagiang.vn 2020)

Hình ảnh về bãi đá cổ Nấm Dần

Cùng với nhiều cảnh quan và các hệ sinh thái dặc thù được thiên nhiên ban tặng, trong qua trình dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc đã xây dựng được nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nhiều địa danh được công nhận là di tích quốc gia, tạo nên một mạng lưới du lịch lịch sử và tâm linh đầy hấp dẫn.

Tại thành phố Hà Giang, trong ngôi chùa mang tên "Bình Lâm Tự", người dân còn lưu giữ được quả chuông đúc vào tháng 3 năm Ất Mùi thời Trần (năm1295), chuông có chiều cao103cm, đường kính miệng 65 cm, quai được cấu tạo bởi hai hình rồng. Trên chuông có bài Minh khắc bằng chữ Hán vào năm 1296,có tiêu bản rồng nổi trên chất liệu đồng. Cùng với chuông chùa, tại Bình Lâm Tự còn phát hiện được di vật như Tháp nung, ngói hoạ tiết hoa chanh là những nét văn hoá quen thuộc và tiêu biểu vào thời Nhà Trần.

Cùng với Bình Lâm Tự, Chùa Sùng Khánh cách phố thị Hà Giang về phía Nam khoảng 9 km,thuộc địa phận làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Chùa xây dựng vào năm 1356, năm 1989 được xây dựng lại trên nền chùa cũ; đến năm 1993 được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật Quốc gia. Ở đây còn lưu giữ hai di vật cổ: Bia đá thời Trần (năm1367) và quả Chuông cao 0.90 m, đường kính 0.67 m, được đúc vào thời Hậu Lê1705). Nghệ thuật khắc trên đá, trên Chuông và kỹ thuật đúc đồng là một bằng chứng cụ thể nói lên bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân vùng biên ải Hà Giang.

Chuông chùa Bình Lâm

Cùng với di sản đền chùa, nhiều năm đã qua, Chợ Tình Khau Vai đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Hà Giang. Chợ tình mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc. Bắt nguồn từ một câu chuyện tình, Khau Vai đã trở thành nơi hò hẹn cho tất cả những người yêu thương nhau trong vùng. Chợ ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Khoảng mười năm gần đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta còn mang theo cả hàng hóa đến bán.

Cùng với văn hóa cội nguồn, trong thời cận đại, trên địa bàn Hà Giang cũng đã có những địa danh nổi tiếng là Dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn và tiểu khu di tích cách mạng Trọng Con.

Tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa, Dinh họ Vương là điển hình về sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên cương. Dinh thự họ Vương là một công trình kiến trúc độc đáo được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1993. Đường dẫn vào dinh được lát bằng nhờ những phiến đá lớn, vuông phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc.Toàn bộ Dinh được xây dựng bằng đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già. Điều đáng chú ý là các họa tiết đều được chạm trổ tỉ mỉ, công phu và đẹp mắt

Dinh thự họ Vương

Tiểu khu cách mạng Trọng Con thuộc xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang,nằm cách quốc lộ số 2 chừng 20 km về phía Đông Nam và Thành phố Hà Giang khoảng 60 km về phía Bắc. Nhà nước đã xếp hạng Tiểu khu là di tích lịch sử năm 1996, được xem là cái nôi của phong trào cách mạng thuộc tỉnh Hà Giang.

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh Tụ Hồ Chí Minh, ngày 1tháng 6 năm 1945, đồng chí Lê Quảng Ba và Bế Triều đã chỉ huy đội vũ trang tuyên truyền gồm 54 chiến sĩ xuất phát từ Cao Bằng về tổng Bằng Hành để tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng. Để đảm bảo bí mật và an toàn, các đồng chí trong Ban Chỉ huy chia nhỏ thành từng nhóm đi tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, đội vũ trang tuyên truyền đã mở được nhiều lớp đào tạo ngắn ngày, thành lập các đội du kích, tự vệ, các đoàn thể cứu quốc và đặt tên vùng hoạt động là "Tiểu khu Trọng Con" (tên của anh hùng Lý Tự Trọng), bao gồm các xã Bằng Hành, Liên Hiệp, Kim Ngọc, Vô Điếm, Hữu Sản  (Nguyễn Chiến 2019).

Từ những môi trường sinh thái tự nhiên và các công trình, di tích được nhiều thế hệ xây dựng, những năm gần đây hoạt động du lịch của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, đạt được những thành công ấn tượng. Mặc dù còn nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, song với tinh thần vượt khó của các dân tộc vùng biên ải, tin rằng Hà Giang sẽ vững bước đi lên trong công cuộc xóa đối nghèo để xây dựng cuộc sống no đủ cho mỗi người dân.

Bia di tích bên đường quốc lộ 279, trên địa bàn thôn Thác, xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang

Địa chỉ liên lạc:                Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân,  Quận Tây Hồ Hà Nội

                                          Phone: 0829848231 

                                          Email: lehanhy 05@gmail.com

Tài liệu tham khảo

Wikipedia (2020)       Hà Giang      Wikipediahttps://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0 truy cập_20/11

Trần Ngọc Thêm (2008)      Cơ sở Văn hóa Việt Nam ; NXB Giáo dục 2008

Myhagiang.vn(2020)     Địa điểm bắt mây đẹp ngây ngất tại hà giang 

https://myhagiang.vn/vi/detailevents/?t=dia-diem-bat-may-dep-ngat-ngay-tai-ha-giang&id=event_15315/07/2020

Nguyễn Chiến (2019) Tiểu khu Trọng Con – cái nôi của phong trào cách mạng ở Hà Giang

https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/tieu-khu-trong-con-cai-noi-cua-phong-trao-cach-mang-o-ha-giang-20190827082621692.htm, 27/08/2019