Vậy đó là những kiểu ứng viên nào và tại sao bạn phải tránh trở thành họ nếu không muốn thất nghiệp kéo dài?

ung-vien-tim-viec-1-1713319193.jpg

Ứng viên ghi sai tên công ty, vị trí ứng tuyển

Gửi CV ứng tuyển là bước đầu tiên của hành trình tìm job việc làm. CV giúp kết nối bạn với nhà tuyển dụng, tạo ra ấn tượng ban đầu. Tuy nhiên nhiều ứng viên thờ ơ với điều này hoặc thiếu kinh nghiệm dẫn đến những sai sót đáng tiếc. Trong đó có lỗi sai khiến nhà tuyển dụng ngao ngán, muốn loại bỏ ngay.

Ví dụ: Không có nội dung email khi gửi CV, đính nhầm file tài liệu, trầm trọng hơn là ghi sai tên công ty, vị trí ứng tuyển.

Với lỗi này, không những bạn sẽ bị đánh giá là thiếu tôn trọng công ty mà nhà tuyển dụng còn cho rằng, ứng viên không trân trọng cơ hội việc làm. Họ nghĩ bạn nộp CV theo kiểu “cho có”. Chưa kể bạn sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả, chưa tìm hiểu về công ty, công việc. Không nhà tuyển dụng nào muốn mất thêm thời gian với những ứng viên này. Do đó, CV của bạn dễ bị bỏ qua mà có thể còn chưa được mở ra xem.

ung-vien-tim-viec-2-1713319193.jpg

Ứng viên không đến phỏng vấn nhưng im lặng

Trong quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp, thông báo hủy lịch phỏng vấn là một phần quan trọng. Dù lý do nào, việc tự ý hủy lịch mà không phản hồi gây ra sự phiền toái cho nhà tuyển dụng nên ngay cả với nhà tuyển dụng dễ tính nhất cũng khó chấp nhận ứng viên hủy lịch phỏng vấn mà không có thông báo.

Tuy nhiên, nhiều bạn không hiểu hết hệ luỵ của việc này. Không đơn giản là nhà tuyển dụng mất thời gian chờ đợi, mất công sức sắp xếp lại lịch trình công việc, kế hoạch tuyển dụng mà còn là tổn thất cả với doanh nghiệp. Vì để có được CV ứng ý gọi và tổ chức buổi phỏng vấn, doanh nghiệp mất không ít chi phí. 

Do đó, dù bất kể lý do gì thì hãy thông báo sớm nhất cho nhà tuyển dụng về việc bạn không thể đến phỏng vấn đúng hẹn. Điều này ít nhất giúp bạn được “thông cảm”, có thêm cơ hội và duy trì được mối quan hệ với họ. 

ung-vien-tim-viec-3-1713319193.jpg

Đi phỏng vấn theo kiểu “cho vui”

Nhà tuyển dụng không chấp nhận ứng viên đi phỏng vấn chỉ với mục đích "thử cho vui". Quá trình tuyển dụng đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, công sức và nguồn lực. Quan trọng hơn, nhà tuyển dụng thật sự cần tìm nhân sự phù hợp, gắn bó lâu dài với công ty để triển khai kế hoạch kinh doanh. 

Vậy nên, dù thật sự đi phỏng vấn với tâm thế chỉ để cập nhật tình hình thị trường tuyển dụng thì bạn cũng không nên thể hiện ra. Bạn cần hạn chế tối đa tác phong, hành vi, trang phục, thái độ thiếu nghiêm túc như: đến phỏng vấn muộn, đặt câu hỏi vu vơ, vừa trả lời vừa bấm điện thoại…

Đã tham gia phỏng vấn thì dù với mục đích gì bạn cần dành sự tôn trọng cho nhà tuyển dụng, đồng thời nên thể hiện tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp, đúng chuẩn mực của ứng viên tìm việc.

Đòi chế độ đãi ngộ riêng biệt

Bất kể ứng viên nào muốn thay đổi công việc cũng đều đặt mục tiêu cao hơn về thu nhập, quyền lợi so với công việc cũ. Đây là nhu cầu chính đáng nhưng nhà tuyển dụng rất kị những ứng viên đặt vấn đề lương bổng quá vội vàng, quá cao so với giá trị mang lại. Chưa kể có ứng viên đòi hỏi chế độ đãi ngộ riêng thậm chí chưa có tiền lệ với doanh nghiệp.

Với trường hợp này, nhà tuyển dụng đánh giá bạn quá coi trọng vật chất, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Với tính cách đó, trong công việc bạn sẽ không đứng về phía công ty, không đề cao quyền lợi công ty.

Không có doanh nghiệp nào muốn sở hữu nhân sự như vậy dù bạn có năng lực thật sự. Do đó, bạn cần lưu ý chọn thời điểm phù hợp và cân nhắc đưa ra những đòi hỏi hợp lý về quyền lợi dựa trên vị trí, trách nhiệm, năng lực công việc cũng như thực tế doanh nghiệp.

Đồng ý nhận việc nhưng không đi làm

Nhà tuyển dụng rất “dị ứng” với ứng viên đã đồng ý nhận việc nhưng đến ngày đi làm thì “không đến”. Tệ nhất là không có bất kỳ phản hồi nào với họ. Khi nhà tuyển dụng liên lạc thì ứng viên không nghe máy, không trả lời email.

Điều này không chỉ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy như bị “lừa”, không được tôn trọng mà quan trọng hơn, nó ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của họ. Còn công ty tùy vào từng vị trí tuyển dụng sẽ có tổn hại không nhỏ như: dự án bị chậm lại, công việc đình trệ... Do đó, đây cũng là kiểu ứng viên, nhà tuyển dụng muốn tránh xa. 

Một ứng viên tìm việc toàn diện thì ngoài năng lực thì thái độ đặc biệt quan trọng. Có thể bạn chưa quá nổi bật về chuyên môn nhưng phải thật sự chuyên nghiệp ngay từ bước đầu quá trình tìm việc. Thái độ chuyên nghiệp đó sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn được công việc như mong muốn. Chúc bạn thành công.