Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá hợp tác xã (HTX) là điểm tựa của nền nông nghiệp, tuy nhiên, đôi lúc, ở nhiều nơi, chưa hiểu hết được vai trò, tầm quan trọng, bản chất, mục tiêu của HTX đối với phát triển nông nghiệp. Ngành nông nghiệp bao năm nay chịu "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ không lớn. Mà khi quy mô sản xuất quá nhỏ thì khó làm hàng hóa lớn, khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát cũng là điểm nghẽn lớn đeo bám ngành nông nghiệp trong nhiều năm. Muốn sản xuất lớn bắt buộc phải tích tụ đất đai, liên kết, tập hợp những người làm nông lại, chỉ khi người nông dân bắt tay hợp tác, đất đai mới được tập trung. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, HTX là một trong những giải pháp quan trọng để tập trung đất đai với quy mô lớn, từ đó xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh, sản xuất theo quy trình đồng bộ, thống nhất, tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã.
Thực tế, thời gian qua, do nhiều lý do, thể chế cũng có, tập quán cũng có, có những địa phương chưa nhìn thấy lợi ích, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của HTX như một cứu cánh để chuyển từ nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, từ đó cấu trúc lại ngành hàng dựa trên sự hợp tác của những người sản xuất thông qua đại diện HTX. Trên cùng một diện tích đó nếu chỉ có một người nông dân sản xuất kết quả sẽ rất khác với nhiều người nông dân liên kết lại với nhau. Rõ ràng, đất đai không thể nở ra nhưng khi tư duy của người nông dân thay đổi, biết liên kết, phá bỏ bớt bờ vùng bờ thửa thì không gian sản xuất sẽ mở ra rộng lớn, sẽ mang lại những thay đổi lớn lao. Không gian sản xuất rộng, cho phép bà con dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tạo thành chuỗi ngành hàng, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường. Một hộ khó có thể làm được một chuỗi ngành hàng hoàn hảo nhưng nhiều hộ sẽ làm được, sẽ tạo ra giá trị gia tăng. Không những thế, trên tinh thần mua chung, một người đi mua giá cao hơn so với nhiều người mua, từ đó giúp chi phí đầu vào giảm. Có một thực tế, nhiều mặt hàng nông sản khi đàm phán được thị trường thì lại không có hàng hóa đạt chuẩn, thiếu số lượng, thậm chí có lúc bị đứt gãy do yếu tố mùa vụ. Nguyên nhân là do sản xuất riêng rẽ, HTX sẽ giúp tổ chức lại ngành hàng. Khi HTX lớn hơn sẽ hoạt động đúng bản chất hơn và để có được điều này, bên cạnh việc đưa Luật HTX vào cuộc sống, quan trọng hơn là sự theo dõi, hỗ trợ xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, của địa phương.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tập trung một số chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển HTX. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết “muốn HTX phát triển, trước hết, phải để người ta hiểu được năng lực, bản chất HTX. Bản chất của HTX là tận dụng lợi thế số đông để mua giá tốt hơn, bán được giá hơn. Dựa vào số đông để cơ giới hóa, tự động hóa, thay đổi quy trình canh tác, để cải thiện năng suất, chất lượng”. Việt Nam còn đang tiếp cận, tiến tới phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, 1 hộ không thể làm được điều này. Bởi vậy phải tiến tới HTX là một cấu trúc kinh tế để hợp tác người nông dân, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích khi chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác. Đồng thời, cần phân nhóm HTX để thúc đẩy kết hợp với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp liên kết với HTX sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics cho HTX.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại thành phố Cần Thơ, với 5 nhiệm vụ trọng tâm: khai thông các luồng vận tải hàng hóa (đường thủy, bộ, hàng không và biển); thông quan bằng việc xây dựng theo mô hình cảng cạn kiểm hóa hiện đại ICD Cần Thơ, các kho ngoại quan, khu phi thuế quan; xử lý và bảo quản nông sản thông qua các giải pháp bảo quản an toàn, xây dựng và bố trí các kho lạnh; thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL; quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL.
Trung tâm nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL lên tầm cao mới, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, hiện đại, xuyên suốt từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu. Khi đó, các HTX sẽ là mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025" nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2022-2025.
Trong quá trình thực hiện đề án, Bộ NNPTNT cũng xác định, HTX sẽ đóng vai trò trọng tâm để hình thành các vùng nguyên liệu với mục tiêu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu, từ đó giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5-10% cho các thành viên HTX và người nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% số nguyên liệu và tăng giá từ 10-20%. Qua đó, tăng thu nhập 5-10% cho thành viên HTX và người nông dân. Tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu, giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các HTX, thay đổi những tập quán sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, từ đó phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản.
Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng Đề án sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với phát triển HTX, gắn HTX với doanh nghiệp để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Có thể thấy, trong các đề án, chương trình, dự án của Bộ NNPTNT, vai trò của HTX luôn được coi trọng, coi đó là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy liên kết hiện nay của nông dân đã có bước chuyển rất mạnh nhờ các hoạt động tuyên truyền, vận động, tôn vinh của các ban ngành, đoàn thể, các địa phương. Bà con đã không muốn đi một mình mà muốn hợp tác và hợp sức, hợp vốn lại, thể hiện qua con số thành viên của các HTX nông nghiệp ngày càng tăng, hiện đạt 3,8 triệu thành viên.
Bộ trưởng cho biết đây là hiệu ứng tốt, thể hiện rõ việc hợp tác không chỉ trên phân chia lợi ích mà còn là niềm tin của thành viên với lãnh đạo HTX. Bộ trưởng nhấn mạnh: Các giám đốc HTX phải như thủ lĩnh, định ra chiến lược dài hạn, để bà con thấy vào HTX không chỉ lợi một vụ mà còn lợi cả những vụ sau, vào HTX là yên tâm đã có doanh nghiệp thu mua sản phẩm, phân phối vật tư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục có các chương trình phối hợp một cách bài bản hơn để định hướng, thúc đẩy phát triển HTX phát triển đúng bản chất; phối hợp đào tạo cho cán bộ, thành viên HTX.
Nhiều năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có các hoạt động biểu dương, tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam xuất sắc. Đến năm 2023, lần đầu tiên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập, Bộ trưởng đánh giá hoạt động này có ý nghĩa đặc biệt. Việc biểu dương, tôn vinh các HTX sẽ là động lực để các HTX thấy giá trị từ việc liên kết mang lại là cấp số nhân, HTX không phải phép cộng của các thành viên mà là cấp số nhân tạo ra sức sống mới cho nông thôn, hay nói cách khác phát triển kinh tế nông thôn dựa trên phát triển HTX. Những HTX được tôn vinh không chỉ là những nông dân sản xuất giỏi, có thu nhập cao mà họ còn biết tập hợp những người khác để cùng nhau đi xa hơn, chinh phục những đỉnh cao mới hơn.
"Trồng lúa không chỉ bán thóc, gạo, rơm rạ mà còn bán được tín chỉ các bon; có ai nghĩ rằng, nhiều nơi đang bán hệ sinh thái nông thôn để làm du lịch. Tôi từng đi nhiều siêu thị ở nước ngoài và nhận thấy, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả cách tạo ra sản phẩm đó. Do vậy, dư địa cho phát triển HTX còn rất lớn.” - Bộ trưởng bày tỏ.
Hoặc