Thành phố đã công bố 4 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao (thành phố đang đề nghị trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia); 194 sản phẩm đạt 4 sao và 77 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm tiêu biểu gồm: Gốm sứ Bát Tràng; gạo Bắc thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng; các loại rau mầm của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà; sữa bò tươi của Hợp tác xã chế biến bò sữa Phù Đổng.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội trao chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020.

Đây là đợt công bố sản phẩm OCOP lần thứ hai của thành phố Hà Nội kể từ cuối năm 2019 đến nay và là đợt công bố sản phẩm đầu tiên trong năm 2020.

Trước đó, cuối năm 2019, thành phố Hà Nội đã công bố và trao quyết định công nhận 26 sản phẩm OCOP, nâng tổng số các sản phẩm OCOP được công bố và trao quyết định công nhận lên 301 sản phẩm (bao gồm: 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao).

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, kết quả phân hạng sản phẩm OCOP có giá trị trong vòng 36 tháng kể từ ngày thành phố Hà Nội ký ban hành quyết định.

Ngay sau khi các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, trung tâm thương mại Big C Thăng Long, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tôn vinh các chủ thể sản phẩm OCOP tại Lễ hội sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm…

Lễ khai mac sự kiện giới thiệu , kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc

Ngay cuối tháng 6 vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Hội chợ trưng bày, quảng bá và kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Hơn 100 gian hàng với các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, dược liệu, sữa tươi; mây tre đan, sơn mài... đã đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Ngày 23 – 27/7/2020 sự kiện giới thiệu , kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật đường phố quận Tây Hồ, Hà Nội. Tham gia sự kiện có hơn 200 gian hàng đến từ các tỉnh: Lang Sơn, Cao Bằng, Bắc Kan, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh , Điện Biên, Hà Nội….. Với hàng nghìn sản phẩm đặc sản vùng miền trưng bày tại sự kiện đều được cấp chứng nhận OCOP, bên cạnh các sản phẩm trưng bày tại sự kiện còn trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền; trưng bày trên 200 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của thủ đô tại không gian sinh vật cảnh Hà Nội tạo điểm nhấn và nét văn hóa của thủ đô.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đại biểu đi thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP

Ông Chu Phú Mỹ Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP chiều ngày 24/7 đã có 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với 15 tỉnh miền núi phía Bắc; 179 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tham gia sự kiện này và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 11 tỉnh miền núi phía Bắc, với sự chứng kiến của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền, bước đầu người tiêu dùng đã nhận diện được thương hiệu, đánh giá cao chất lượng các sản phẩm. Đại diện Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín - đơn vị có 14 sản phẩm được công nhận OCOP phân hạng 4 sao năm 2019 cho biết, OCOP như một giấy thông hành giúp đơn vị đưa các sản phẩm nông nghiệp vào bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn rất thuận lợi. Các sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng Thủ đô tin cậy, mặc dù giá cả cao hơn các sản phẩm cùng loại. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm, gia tăng giá trị các sản phẩm và nâng cao thu nhập người sản xuất.

Các du khách nước ngoài tỏ ra thích thú và lựa chọn mua sản phẩm OCOP được trưng bày tại sự kiện.

 Hàng nghìn du khách đến tham quan, mua sắm.

Trao đổi với người dân tham dự sự kiện: bà Nguyễn Thị Liên, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được các sản phẩm đặc sản vùng miền như miến làng So, gạo hữu cơ Đồng Phú, gốm Bát Tràng... Do vậy, đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đặc sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt”.

Chị Hoàng Thanh Thủy – một du khách tới tham quan trong sự kiện cho hay: “Mình là người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng Việt. Mình thấy những sự kiện như thế này rất bổ ích, không chỉ giúp bà con nông dân và các doanh nghiệp địa phương giới thiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm của quê hương mà còn giúp cho người tiêu dùng như mình được biết đến và sử dụng những sản phẩm an toàn”.

Trong 301 sản phẩm của 75 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) năm 2019, riêng huyện Gia Lâm đã có tới 5 sản phẩm được TP.Hà Nội đánh giá có tiềm năng 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Bà Vinh (thứ 3, từ phải) trong một lần giới thiệu sản phẩm gốm sứ Quang Vinh tới các đại biểu Thành ủy Hà Nội.

Trao đổi với PV , bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với phát triển đô thị theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Năm 2019, sản phẩm của HTX rau Văn Đức đươc T.P Hà Nội đánh giá là sản phẩm OCOP bốn (4) sao.

Đặc biệt là tại HTX rau Văn Đức, từ khi được thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 8 loại rau, hàng nghìn hộ dân tại Văn Đức - vùng sản xuất rau lớn nhất Hà Nội đã tự tin hơn hẳn. Bà con rất yên tâm trong việc sản xuất rau VietGAP cung cấp cho thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức cho hay: Hiện, trung bình mỗi ngày HTX rau Văn Đức cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn rau các loại. Đặc biệt, HTX này vẫn đang duy trì xuất khẩu từ 300 - 500 tấn/năm một số loại rau như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Đồng thời, hàng năm còn xuất khẩu rau vụ đông sang Hàn Quốc, khoảng 10 - 12 tấn/năm.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá: Hà Nội là trung tâm với nhiều làng nghề, có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời là thị trường tiêu thụ rất lớn, là nơi kết nối, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Ông Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP phải bảo đảm việc chuẩn hóa quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường...

Để khi đến tay người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất. Ông Tiến đề nghị, trong thời gian tới chương trình này sẽ trở thành hoạt động hàng quý, hàng tháng thường xuyên của Hà Nội. Đặc biệt, quận Tây Hồ sẽ phát triển được thế mạnh về du lịch và sản phẩm du lịch. Về phía cơ quan quản lý sẽ tổ chức đánh giá các tiêu chí sản phẩm OCOP chuẩn xác, đúng với giá trị thật của sản phẩm để chương trình ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.

Tuy nhiên ,việc thực hiện chương trình OCOP thời gian qua còn hạn chế. Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: việc phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội còn gặp một số khó khăn như nhiều sản phẩm còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, giá trị sản phẩm chưa cao.

Các cấp chính quyền và đơn vị tư vấn mới chỉ tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục hồ sơ, mà chưa có chính sách hỗ trợ, động viên các chủ thể có sản phẩm OCOP. Các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm còn lúng túng. Nhiều sản phẩm dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ như thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Câu chuyện sản phẩm còn đơn giản, chưa gắn kết sản phẩm với lịch sử, văn hóa của địa phương…

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất với khoảng 1350 làng nghề, chiếm 1/3 làng nghề cả nước. Hơn nữa, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QRcode (hơn 5.000 sản phẩm được gắn mã). Đây vừa là tiềm năng vừa là nền tảng để Hà Nội phát triển chương trình OCOP. Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các tập thể, cá nhân đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, để phát triển Chương trinh Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội định hướng đến năm 2025, toàn thành phố Hà Nội sẽ đánh giá, phân hạng được ít nhất 1.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 150 sản phẩm đề nghị trung ương công nhận sản phẩm 5 sao - sản phẩm cấp quốc gia.

Hoàng Lan