Tình hình phát triển Sinh Vật Cảnh tại Hà Nội

Theo kết quả thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT và Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương - Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2018 - 2023, giá trị sản xuất, diện tích chuyên canh hoa cây cảnh của Hà Nội liên tục có mức tăng trưởng cao. Tính đến hết năm 2023, toàn Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh Hoa, Cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến nay, Thành phố đã công nhận 14 làng nghề về hoa, cây cảnh và 36 sản phẩm hoa cây cảnh được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Theo thống kê của Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, lĩnh vực hoa cây cảnh trên địa bàn Thành phố góp phần giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 80.000 người. Sinh Vật Cảnh không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch. Trong những năm qua, hoạt động Sinh Vật Cảnh luôn hiện diện trong tất cả hoạt động, sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của Thủ đô, tiêu biểu là Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Và ở nhiều địa phương Sinh Vật Cảnh đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh. 

cay1-1712506771-1712625570-1712633400-1712815904.jpg
Triển lãm cây cảnh nghệ thuật, bể đá cổ năm 2024 tại Hà Nội.

Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân lĩnh vực hoa và cây cảnh: Quan trọng, cần thiết 

Có thể nhận thấy, hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh nói chung, Hoa và Cây cảnh nói riêng ngày càng có vai trò, vị trí trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp và PTNT so với các sản phẩm ngành nghề phát triển nông thôn khác. Trong đó, Nghệ nhân, Thợ giỏi không chỉ là người quyết định giá trị gia tăng cho sản phẩm Hoa, Cây cảnh, Sinh Vật Cảnh, mà còn là người bảo tồn và phát huy những bí quyết nghề nghiệp, bản sắc văn hóa, tinh hoa nghề Hoa, Cây cảnh truyền thống của ông cha.

Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cho lĩnh vực hoa và cây cảnh thể hiện sự tôn vinh đối với những Nghệ nhân, Thợ giỏi đã miệt mài cống hiến trong lĩnh vực này, không chỉ giúp nâng cao uy tín và danh tiếng cá nhân của nghệ nhân như một sự công nhận xứng đáng, mà còn tạo ra sự động viên và cổ vũ cho cộng đồng nghệ nhân ngày càng phát triển, thể hiện được sự phát triển của một loại ngành nghệ thuật được đánh giá và công nhận bởi cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc phong tặng danh hiệu sẽ khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, vừa động viên và thúc đẩy nghệ nhân phát triển sự sáng tạo, vừa tạo động lực cho nghệ nhân nâng cao trình độ và chất lượng sản phẩm, từ đó các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm cũng được tăng cao.

Chính vì vậy đến nay đã có nhiều tỉnh thành trong cả nước đã phong tặng Nghệ nhân, Thợ giỏi hàng năm cho lĩnh vực Sinh Vật Cảnh, bình đẳng như các ngành nghề nông thôn được quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ.

Mặc dù, Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu về diện tích chuyên canh Hoa, Cây cảnh, số lượng làng nghề hoa cây cảnh truyền thống, số lượng sản phẩm hoa cây cảnh đạt được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nơi hội tụ nhiều nhân lực Hoa, Cây cảnh có tay nghề cao…Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội đến nay chưa có nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh. Thực trạng này là do công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội vẫn đang áp dụng theo Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND thành phố Hà Nội (được ban hành trước thời điểm ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ. Khi đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh chưa được công nhận là một ngành nghề nông thôn). Chính sự chưa kịp thời điều chỉnh các quy định có liên quan đến công tác phong tặng nghệ nhân sau khi Chính phủ có 52/2018/NĐ - CP ngày 12/04/2018 đã gây ra sự bất bình đẳng giữa một số ngành nghề truyền thống ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống, trong đó có hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh.

31b2ca1c-020a-4b05-b2f5-8628a5aff567-1712820417.jpg
Chợ hoa – sinh vật cảnh Vạn Phúc. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Bước Đi Hướng Tới Danh Hiệu: Quy Trình Đề Xuất Nghệ Nhân Sinh Vật Cảnh

Định hướng về phát triển sản xuất hoa, cây cảnh Thành phố Hà Nội đã có từ hơn 10 năm trước, với Đề án Phát triển sản xuất Hoa, Cây cảnh Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016 ban hành theo Quyết định số 1120/QĐ - UBND ngày 13/03/2012 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. 

Chỉ đạo hướng tới phát triển Nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững và xác định vai trò quan trọng của cây xanh, hoa, cây cảnh, Sinh Vật Cảnh trong công tác xây dựng, phát triển Thủ đô cũng đã được nhắc đến trong “Quyết định số 390/QĐ - UBND” ngày 17/01/2019 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (phụ lục 1), kết luận “Hội nghị giao ban quý I/2021” bởi Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, “Dự thảo Đề án Phát triển Nông nghiệp đô thị Thành phố Hà Nội dự kiến thông qua trong quý II năm 2024”, “Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, khóa XV” (gồm 7 chương và 54 điều).

Tuy vậy vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc chưa có quy định về đối tượng và tiêu chí để xét phong tặng “nghệ nhân” đối với một số ngành nghề nông nghiệp như: sinh vật cảnh, cắt tỉa cây cảnh,… Tại Hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp Thủ đô, hai bên đã có trao đổi và thông báo Kết luận số 01/TB-BNN-UBND ngày 06/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND thành phố Hà Nội về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quy định xét phong tặng nghệ nhân. Dự kiến trong năm 2024, Bộ sẽ tổ chức “xây dựng tiêu chí công nhận nghệ nhân” và sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Trước thực tiễn đóng góp của lĩnh vực Sinh Vật Cảnh trong cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và nhu cầu thiết thực trong công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp thành phố cho lĩnh vực hoa và cây cảnh, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã trình lên UBND Thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận kiến nghị trước mắt thực hiện thí điểm xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp thành phố lĩnh vực hoa và cây cảnh trong 03 năm (2024 – 2026), sau đó có báo cáo, đánh giá để xem xét mở rộng, xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp thành phố ở nhiều lĩnh vực khác của ngành Sinh vật cảnh. Đồng thời giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quy chế thực hiện thí điểm phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội lĩnh vực hoa và cây cảnh để thực hiện nội dung này.
 

Công văn số 968/SNN - CCPTNT đề xuất UBND Thành phố cho phép thực hiện thí điểm xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp thành phố lĩnh vực hoa và cây cảnh đầy đủ