Thơ của nhạc sỹ Trần Lệ Chiến (phải) được nhiều nhạc sỹ chọn phổ nhạc.

Thơ Trần Lệ Chiến là dòng thơ thuộc về cảm xúc của chính tác giả, đi từ tác giả đến bạn đọc. Chị viết đa dạng về thể loại, ngay cả đồng dao. Chị có những câu thơ đồng dao hay như “Là thực hay mơ/ Chỉ khi ta cảm/ Chạm vào tỉnh thức/ Ngỡ là trăm năm”, (Chạm vào huyền thoại). “Ngày của yêu thương/ Ngập tràn nỗi nhớ/ Nụ cười reo vui/ Hát lời cây cỏ”, (Bình yên nắng hạ).

Không yêu thì khó làm thơ, nhất là thơ tình. “Chạm” của Trần Lệ Chiến cũng có nhiều cung bậc của một trái tim yêu, khi reo vui, khi buồn nhớ. Chị đã có công khám phá, ghi lại các cung bậc cảm xúc, trước hết của chính mình. Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đúng thế, trong lòng vui, hoa lá cũng xôn xao là ngược lại, lòng buồn cỏ cây như mặc niệm. Với Trần Lệ Chiến cũng vậy. Khi yêu, nhìn hoa Sưa của cữ tháng ba, lòng chị rưng rưng cảm xúc:

...

Trong vòm lá xanh mướt

Phủ một màu tinh khôi

Như những bông tuyết trắng

Rực sáng một khoảng trời

(Dịu dàng hoa sưa)

Và, đã yêu, Trần Lệ Chiến mong manh quá đỗi, có đủ khát khao và hoài niệm: “Ai đem câu hát/ Rót vào giếng khơi/ Thả hồn triền đê/ Cánh diều no gió”, (Thu quê). Hoặc: “Lặng ngồi ngắm giọt mưa rơi/ Giọt nặng giọt nhẹ giọt vơi giọt đầy/ Giọt mang nỗi nhớ hao gầy/ Giọt chia nhau nửa đắng cay muộn phiền”, (Giọt mơ).

Ngày không anh con phố buồn ngơ ngác

Café nhạt nhạc chẳng còn du dương

Ngày không anh đêm dài như ly biệt

Thêm một vòng tay ấm áp môi cười

(Ngày không anh)

Nhặt lá vàng chiều cuối hạ

Chẳng ước những điều xa xôi

Giữ cho mình màu lá ấy

Vẹn nguyên như thuở ban đầu

(Nhặt)

Nhiều khi hờn dỗi, vẻ đẹp hờn dỗi, rất đàn bà “Đúng là cơn nắng lạ/ Bắt đền anh chiều xa”, (Con nắng lạ). Với những người yêu nhau, nhìn con đường đã từng qua cũng trào lên cảm xúc “Nhớ từng con đường nhỏ/ Nhớ từng cánh phượng rơi”, (Một khoảng trời). Và rồi, hạnh phúc nào hơn được ngồi bên nhau để nghe “mùa thu rúc rích trên môi” như một câu thơ của thi nhân Hoàng Vũ Thuật. Trần Lệ Chiến thì đơn giản hơn, nhưng là tiếng nói chân thực:

Yêu thương mong nhớ xa xôi

Không bằng một phút ta ngồi bên nhau

(Giữ ấm đôi bàn tay)

Xa xôi, gặp nhau thì không hạnh phúc nào bằng. “Tay đan xiết chặt/ Mắt trao mắt cười/ Ta đưa nhau về/ Nồng nàn phố cũ”, (Nồng nàn phố) muốn chiều chuộng nhau, hóa thân vào nhau. Nhiều khi, đó là “tiếng sóng” trong lòng, mạnh mẽ, khao khát được giải phóng bản thể: “Trút lên thân thể hao gầy của đất/ Không chút e dè chẳng ngại đất đau”, (Mưa vô tình). Nhục dục nhiều khi phải cuồng nộ, mới được đặt đúng vị trí, được giải phóng.

Chiều không anh em chẳng thể gọi tên

Để nỗi nhớ cứ trào như sóng cuộn

(Chiều không anh)

Hoặc triết lý: Cuộc đời là sắc là không/ Hư hư thực thực nỗi lòng ai hay/ Chiều như chầm chậm qua ngày/ Đêm về nhung nhớ buồn vây kiếp người”, (Chiều nhớ)

...

Đêm tháng Tư ngày qua rất vội

Thời gian trôi chẳng níu được đâu

Cứ an yên dù mưa hay nắng

Để sớm mai đón nắng mặt trời

(Đêm mưa)

Trong “Chạm”, người đọc bắt gặp biển với tư cách hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ của thi pháp, chỉ riêng tên bài thơ có “biển” tương đối. Đó là”Biển”, “Biển ngày đông”, “Biển đêm”, “Em mơ biển”, “Đưa em về với biển”, “Về biển”, “Biển ơi”, “Chút mặn mòi biển khơi”...Cũng chưa hiểu vì sao Trần Lệ Chiến đặt tên tập thơ là “Chạm”? Nhưng xem mục lục thì có bài “Chạm vào huyền thoại”. Trong đề dẫn cho “Chạm”, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến trải lòng: “Tình yêu tôi dành cho biển cứ ngày một lớn dần, với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt. Tất cả mạch nguồn trôi chảy ấy chưa khi nào cạn. Một ngày tôi đến với biển, biển ôm trọn tôi vào lòng. Biển khơi gợi cảm xúc tan chảy trong tôi...và cứ thế, tình yêu của tôi với biển dâng tràn, cuốn vào nhau chẳng thể nào xa cách. Tôi đến với biển như một định mệnh – như mối duyên nghiệp từ tiền kiếp”. À ra thế, biển là tất cả với chị. Xin nhớ từ biển trong đề dẫn đều được Trần Lệ Chiến trân trọng viết chữ in hoa, với tất cả nâng niu. “Chúng tôi chạm vào nhau”, chị xác tín. Biển trong lòng, biển như một nhân chứng của tình yêu và khao khát Trần Lệ Chiến. Một người không phải sinh ra từ biển, nhưng với Trần Lệ Chiến, biển đã có vị trí như là một “tôn giáo”.

Không anh biển ngày đông

Đôi chân trần trên cát

Cái lạnh thấu thịt da

Em trong chiều hoang hoải

(Biển ngày đông)

Biển với Trần Lệ Chiến như một “tôn giáo”

“Chiều bình yên biển vắng/ Mây trắng bay ngang trời/ Em nghe tiếng biển gọi/ Lời tự tình xa xôi”, (Em đến). Hình ảnh biển được Trần Lệ Chiến sử dụng ẩn dụ để gửi thông điệp về tình yêu, dâng hiến với nó bằng tất cả thánh thiện: “Đưa em vào lòng biển đêm/ Để nghe tim mình rạo rực/ Hát lời ca từ lồng ngực/ Trái tim yêu đến dại khờ/ (Đưa em về với biển).

“Khúc hát biển say mê/ Mơn man bờ cát trắng”, “Tiếng biển hòa tiếng sóng/ Chẳng rời xa bến bờ”. Và rồi chị thấy được yêu, dẫu thực hư thế nào không biết nhưng đã phải cám ơn, cảm xúc được yêu “Xin cám ơn cuộc đời/ Cho ta niềm mơ ước”.

“Chạm” là tập thơ đầu tay của nhạc sỹ, nhà báo Trần Lệ Chiến. Gần 40 bài trong tập “Chạm” đã được các nhạc sỹ chọn phổ nhạc. Thế là thành công. Thơ Trần Lệ Chiến là tiếng nói của một tiếng lòng khao khát, đầy nhạc tính, do vậy dễ đạt được sự đồng cảm âm nhạc của các nhạc sỹ, bài thơ dễ cất lên cùng âm nhạc. Tất nhiên, thơ Trần Lệ Chiến là thơ của một tác giả không chuyên về thơ, nên không bàn thêm về thi pháp. Đó là yêu cầu đối với thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp.

Nhạc sỹ Trần Lệ Chiến tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Lý luận phê bình Âm nhạc - Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, Trường Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Về âm nhạc, như vậy là được đào tạo cơ bản, đúng ở “nôi” âm nhạc sang trọng nhất. Trước khi trở thành nhà báo, Trần Lệ Chiến từng có thời gian giảng dạy bộ môn âm nhạc tại Trường Múa Việt Nam những năm 1992 – 1994. Năm 1995 chị về làm biên tập âm nhạc tại Hệ phát thanh Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN). Năm 2003 – 2006, chị tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian công tác tại Đài TNVN là cơ hội để Trần Lệ Chiến đi nhiều, cọ sát thực tế, học hỏi và sáng tạo trong cả nghề báo lẫn trong lĩnh vực âm nhạc. Hiện nay chị là Phó tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Mẹ Maria - Nữ Vương Thiên Đàng Nhạ cà lời: Trần Lệ Chiến - Hát: Ánh Tuyết, Minh Thu

Năm 2007, ca khúc “Mùa thu của em” của Trần Lệ Chiến (phổ thơ Quang Huy) đoạt giải thưởng Hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; năm 2016, ca khúc “Say câu hát người ơi”, đạt Giải Khuyến khích trong “Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Lao Cai - 20 năm đổi mới”; năm 2018, Đoạt Giải Khuyến khích - Giải thưởng hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam (lĩnh vực Lý luận phê bình âm nhạc); năm 2019 chị được Giải C – giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam ở lĩnh vực báo chí về lý âm nhạc.

Không chỉ dừng lại ở việc viết báo, sáng tác thơ, nhạc, Trần Lệ Chiến còn tham gia viết kịch bản, tổ chức sản xuất, biểu diễn. Cho đến nay, Trần Lệ Chiến đã có khoảng 400 bài thơ, hơn 30 ca khúc do chị sáng tác. Đặc biệt, một số tác phẩm khí nhạc, nhiều công trình nghiên cứu, tiểu luận về âm nhạc như: “Âm nhạc trong hề chèo”, “Quan họ hóa âm nhạc ngoài quan họ”, “Thức dạy khúc hát ru truyền thống”, “Hình tượng chiếc thuyền trong dân ca quan họ”. Khoảng 60 bài thơ của chị được các nhạc sĩ khác phổ nhạc. Điều đáng nói là có những bài thơ “Có duyên” 4 nhạc sĩ cùng phổ nhạc với nhiều ngôn ngữ, phong cách khác nhau.

Tìm được sự đồng cảm thơ của bạn đọc và âm nhạc của các nhạc sỹ là một thành công của Trần Lệ Chiến trên hành trình dấn thân.

HÃY CỨ LÀ EM - Thơ: Trần Lệ Chiến, Nhạc: Phạm Việt Long, hát: NSƯT Đức Long, đệm Piano: NSND Phạm Ngọc Khôi