Khi đã gửi đi một lá thư xin nghỉ việc có nghĩa là bạn đã đưa ra quyết định cuối cùng. Thư xin nghỉ việc chỉ là một hình thức, một thủ tục thông báo về việc bạn chấm dứt công việc với công ty.

Bất kể nguyên nhân nghỉ việc là gì thì thư xin nghỉ việc vẫn nên đảm bảo yếu tố nội dung ngắn gọn, ngôn từ lịch sự và thái độ tích cực. Dù bạn không còn là nhân viên công ty nhưng cũng đừng “dại dột” tạo nên hình ảnh xấu về bản thân.

Sau đây là một số điều không nên viết trong thư xin nghỉ việc để giúp bạn “ra đi êm đẹp” và giúp quá trình tìm việc làm nhanh tại Bình Dương, TPHCM… sau đó trở nên suôn sẻ hơn.

Không chỉ trích, phê phán người khác

Lời chỉ trích dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều không phù hợp. Nó chỉ chứng tỏ bạn là kiểu người hay xét nét, chỉ nhìn mặt xấu của người khác. Nếu bạn mâu thuẫn với cấp trên và đồng nghiệp trong môi trường làm việc thì lỗi cũng phần nào ở bạn.

Chủ động, cởi mở và xây dựng mối quan hệ gắn kết tốt đẹp với đồng nghiệp, với cấp trên chính là một trong những kỹ năng mềm mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn thấy ở nhân viên của mình. Dù bạn làm việc ở môi trường nào, đây cũng chính là yếu tố giúp nâng cao hiệu quả, năng suất công việc. Nếu vì lí do mâu thuẫn với đồng nghiệp mà nghỉ việc thì chứng tỏ bạn thực sự yếu kém kỹ năng này.

Không trình bày hoàn cảnh

Điều “tối kị” khi viết thư xin nghỉ việc đó là đề cập đến hoàn cảnh cá nhân. Chẳng hạn thiếu hụt tài chính, về sức khỏe, bệnh tật hay các điều không may xảy đến xung quanh mình và gia đình… Dù bạn có đang gặp nhiều rắc rối nhưng có nhiều hình thức, nhiều nơi để tỏ bày, còn trong thư xin nghỉ việc tuyệt đối không nên vì cấp trên ở công ty không có trách nhiệm phải nghe và giải quyết giúp bạn.

Bên cạnh đó bạn còn bị đánh giá là người tùy tiện, thiếu bản lĩnh, năng lượng tiêu cực. Đừng để họ nghĩ rằng đồng ý cho bạn nghỉ việc là hoàn toàn xứng đáng. Thay vì kể lể, hãy viết lời cảm ơn thật trân trọng và cam kết thực hiện bàn giao công việc ổn thỏa nhất vì đây mới chính là nội dung cần thiết.

Không “chê bai” công việc

Một số người thiếu kinh nghiệm thường mắc sai lầm đó là chê công việc nhàm chán, không có cơ hội thăng tiến, lương thấp, công việc quá sức… ngay trong thư xin nghỉ việc.

Viết ra điều này không giải quyết được vấn đề gì, nó còn chứng tỏ sự yếu kém năng lực của bạn. Ngay từ đầu chính bạn là người chủ động ứng tuyển và chấp nhận công việc này dựa trên thỏa thuận của hai bên. Khi bạn có ý kể xấu công việc thì sẽ tạo cho cấp trên một cách nhìn ác cảm hơn với bạn. Tốt nhất bạn nên lựa chọn ra đi trong êm đẹp, giữ được hình ảnh tốt.

Không nên đề cập đến chỗ làm mới sau khi nghỉ việc

Nếu bạn đã tìm được một công việc mới tốt hơn hoặc bạn đã có dự định cho mình sau khi nghỉ việc thì rất tốt, là điều đáng mừng. Tuy nhiên tuyệt đối không nên kể đến trong thư xin nghỉ việc bởi vì điều này hoàn toàn không phù hợp. Thứ nhất đó là việc cá nhân, kế hoạch này không liên quan đến công ty, cấp trên không có nhu cầu cần biết. Thứ hai nếu công ty “ghét” bạn thì có thể tác động ít nhiều ảnh hưởng đến chỗ làm mới của bạn. Dù là lí do gì thì sự kín đáo, trình bày đúng lúc đúng chỗ là điều quan trọng mà người có kinh nghiệm đã nắm vững. Nếu không bạn sẽ bị cho là “khoe khoang”.

Thư xin nghỉ việc chỉ là thủ tục hoàn tất quá trình chấm dứt công việc của bạn. Cho dù bạn đã là một nhân viên tốt như thế nào, có được thành tích ra sao nhưng nếu như khi nghỉ việc để lại ấn tượng xấu thì vẫn không nên. Tránh cách viết cẩu thả, kể lể dài dòng và phàn nàn bất cứ điều gì. Nó sẽ để lại ấn tượng xấu về bạn mãi về sau.

Bạn nên viết thư xin nghỉ việc với thái độ nhã nhặn, vui vẻ và trình bày thật ngắn gọn, rõ ràng, súc tích những nội dung cần thiết nhất, điều này sẽ chứng tỏ thái độ tích cực và chuyên nghiệp của bạn. Hãy dành lời cảm ơn đến cấp trên, đến đồng nghiệp đã tạo cho bạn môi trường rèn luyện, học hỏi và trưởng thành hơn. Sau cùng, đừng quên lời cam kết bàn giao tài sản vật chất và tài nguyên công việc (nếu có) để chứng tỏ bạn nghỉ việc minh bạch, rõ ràng không có bất kì vướng mắc nào về sau.