Người thảo ra văn kiện lịch sử ngắn gọn, đanh thép, quan trọng cho việc chuyển giao chế độ như thế thực sự xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT!
Miền Nam được giải phóng, nước nhà được hoàn toàn độc lập đã 45 năm, nhiều người lính Giải phóng có công trong thời khắc lịch sử vô cùng quan trọng làm nên ngày 30/4/1975 chấn động địa cầu đã được phong Anh hùng LLVT, như Đại tá Bùi Quang Thận, Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Nhưng Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203 Bùi Văn Tùng – người thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh đọc cáo chung chế độ tay sai của xâm lược Mỹ, đến nay vẫn chưa được phong danh hiệu Anh hùng mà ông xứng đáng được nhận. Đó là trăn trở mà NSUT, Đạo diễn, nhà quay phim chiến trường Phạm Việt Tùng đau đáu muốn đề xuất đến Quân đội và Nhà nước.
Sự thật lịch sử ngày 30/4/1975 qua lăng kính của nhà quay phim chiến trường Phạm Việt Tùng
Đạo diễn, NSUT Phạm Việt Tùng thuộc thế hệ quay phim đầu tiên của Truyền hình Việt Nam, người cùng đoàn với nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã vinh dự có mặt tại Dinh Độc lập vào ngày đầu tiên ta giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến trường kỳ gian khổ, non sông thu về một mối. Hơn ai hết, là người quay phim đồng hành và chứng kiến nhiều mốc lịch sử quan trọng của dân tộc, Đạo diễn Việt Tùng thấm thía tầm quan trọng của sự thật lịch sử với việc giáo dục thế hệ trẻ nước nhà.
Thời điểm giữa những năm 2.000 xôn xao các hội thảo với mục đích khẳng định người thảo “Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Ngụy” là Đại úy Phạm Xuân Thệ (thời điểm giữa những năm 2.000 các hội thảo tổ chức rùm beng thì ông Phạm Xuân Thệ đang là Trung tướng). Trong khi thực tế lịch sử mà các nhân chứng cả 2 bên (ta và Ngụy) có mặt tại Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 đều khẳng định người làm nên lịch sử đó là Trung tá Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ Đoàn Tăng-Thiết giáp 203 (đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá) và chính sử Việt Nam trong bộ sách “Nam bộ kháng chiến 1954-1975” đã xuất bản, được Đảng-Nhà nước phê duyệt cũng đã khẳng định người thảo “Bản tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Ngụy là Chính ủy Bùi Văn Tùng”.
Nhà báo Phạm Việt Tùng trăn trở lắm, tại sao lại có những người muốn thay đổi sự thật lịch sử như vậy? Làm sao để trả lại cho lịch sử tính chân thực của nó, cho thế hệ con cháu mai sau có niềm tin vào chính sử? Đó là lý do năm 2005 Phạm Việt Tùng quyết tâm làm bộ phim Tài liệu “Dinh Độc lập trưa 30/4/1975” (do Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh sản xuất). Bộ phim đã từng gây nhiều tranh cãi! Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về những ngày ông đi tìm tư liệu, quyết liệt đấu tranh cho sự thật lịch sử theo đúng những gì nó diễn ra...
Từ câu chuyện “4 chàng ngự lâm” - 4 người lính giải phóng trên chiếc xe tăng 390 anh dũng đã húc tung cánh cổng Dinh, đưa quân Giải phóng vào bắt sống nội các Ngụy, là những nhân chứng khẳng định Chính ủy của họ - Trung tá Bùi Văn Tùng đã thảo “Lời tuyên bố đầu hàng” cho Tổng thống Ngụy và ông cũng thảo luôn “Lời tiếp nhận đầu hàng” của Quân Giải phóng. Đạo diễn Việt Tùng đã đi tìm gặp hàng loạt nhân chứng lịch sử như: ông Nguyễn Hữu Thái - Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn 1975, người dẫn chương trình trong buổi phát thanh lịch sử trưa 30/4/1975.
“Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng” năm ấy; Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Việt Nam cộng hòa; Nhà Sử học Nguyễn Nhã đưa ra cuộn băng ghi âm mà ông đã ghi lại toàn bộ sự kiện phát trên Đài vào trưa 30/4/1975, một bằng chứng vô cùng quan trọng; rồi nghe Đại tá Bùi Văn Tùng trực tiếp thuật lại sự việc ngày hôm đó. Và thật đáng mừng, lời kể của các nhân chứng trong cuộc hoàn toàn trùng khớp với nhau, trùng khớp với nội dung trong cuốn băng ghi âm chương trình phát thanh mà nhà Sử học Nguyễn Nhã cung cấp, đều khẳng định Chính ủy Bùi Văn Tùng là nhân vật đã làm nên lịch sử đó!
![]() |
Đạo diễn Việt Tùng gặp gỡ Đại tá Bùi Văn Tùng và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh để nghe lời kể của chính những người trong cuộc |
Có được cuộn băng, Đạo diễn Việt Tùng mừng như bắt được vàng. Ông trăn trở suy nghĩ cả đêm, rồi bật dậy nghe lại đoạn băng và lấy quyển sách ông Phạm Xuân Thệ viết ra so sánh. Đây rồi! Đây mới là điểm mấu chốt! Trong đoạn băng là “Quân đội hạ vũ khí” chứ không phải là “Chính quyền hạ vũ khí” như ông Thệ nói. Vì Chính quyền thì lấy đâu ra vũ khí! Đó chính là sự khác nhau về ý thức chính trị của một người là Trung tá - Chính ủy, làm công tác Đảng!
Trong khi Đạo diễn Việt Tùng cùng với ekip đi tìm chứng cứ nhằm chứng minh tính chân thực của lịch sử, thì may mắn đã đến khi xuất hiện nữ nhà báo Gallassch Kelley – phóng viên truyền hình CHLB Đức (đóng chi nhánh tại Mỹ, bà cũng là người Mỹ), đến Việt Nam tìm gặp Chính ủy Bùi Tùng. Bà là vợ của nhà báo Borries Gallassch (PV báo Tấm gương-CHLB Đức, PV chiến trường, là 1 trong 2 nhà báo hiếm hoi có mặt tại Dinh Độc lập cùng với nội các Ngụy sáng 30/4/1975).
Borries Gallassch trở thành một nhân chứng quan trọng của lịch sử Việt Nam. Ngay sau ngày VN thống nhất, Borries Gallassch đã viết và tập hợp các bài phóng sự của các phóng viên nước ngoài khác viết về ngày giải phóng 30/4/1975 của VN thành cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - thời khắc số 0” xuất bản 9/1975 bằng tiếng Đức tại CHLB Đức. Trong cuốn sách này có in tấm ảnh Borries Gallassch ngồi cạnh Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh ngay tại đài phát thanh, đó chính là lúc ông giúp ghi âm Tổng thống Minh đọc Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuốn sách mà bà Gallasch Kelley mang tới đã trở thành một vật chứng vô cùng quan trọng.
Cuốn sách của nhà báo Gallassch trở thành chứng cứ quan trọng chứng minh người Thảo bản đầu hang cho Tổng thống Ngụy là ông Bùi Văn Tùng |
Trong cuốn sách đó Gallassch có bài viết riêng về sự kiện này: “Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rõ ràng cho chúng tôi những việc tôi phải làm: Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố đầu hàng vào máy ghi âm của tôi, việc này lặp đi lặp lại 3 lần. Lần đầu tiên Minh chần chừ bởi vì ông được yêu cầu phải đọc “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy muốn nói: “Tôi Đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng”.
Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận, không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh đã phải nói đúng như bản mà Chính ủy Tùng đã thảo”. Cũng theo nhà báo Gallassch: “Ông viết lên một tờ giấy màu xanh. Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào”. Ông Nguyễn Hữu Thái cũng xác nhận “Phải sau 15-20 phút, ông Tùng mới thảo xong bản Tuyên bố đầu hàng cho Tướng Minh”.
Cuối cùng, sự thật luôn chiến thắng. Sự kiện Trung tá Bùi Văn Tùng – nguyên Chính ủy Lữ đoàn Tăng – Thiết giáp 203 mới chính là người thảo bản đầu hàng cho Dương Văn Minh đã chính thức được ghi vào Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đại tá Bùi Tùng (năm 2007) đến Đài Phát thanh, thuật lại toàn bộ sự việc trưa 30/4/1975 |
Nhà sử học Nguyễn Nhã nghe lại băng ghi âm 30/4/1975 |
“Đại tá Bùi Văn Tùng – người bộ đội Cụ Hồ chân chính”
Giờ phút toàn thắng của dân tộc cũng là giờ cáo chung chính quyền Ngụy tay sai đế quốc Mỹ xâm lược, Chính ủy Bùi Văn Tùng - người lính bộ đội Cụ Hồ kịp thời ra mệnh lệnh, tổ chức việc buộc người đứng đầu chính quyền Ngụy đầu hàng không điều kiện, chấm dứt cuộc chiến tranh đã tốn biết bao máu xương. Bằng trí tuệ và trực giác của một người có trình độ học vấn cao, làm chính trị và công tác Đảng trong lực lượng vũ trang cách mạng, trong giờ khắc cốt tử ấy, Chính ủy Bùi Tùng đã trở thành biểu trưng cho hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, đã sống, chiến đấu và rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Con người được đào tạo, có trình độ, rất thông minh, mẫn tiệp và hết sức khiêm tốn ấy, xứng đáng được tôn vinh.
Đạo diễn Việt Tùng chia sẻ: “Tôi rất cảm phục ông Bùi Tùng, ông là hiện thân của hình mẫu bộ đội Cụ Hồ chân chính. Những gì đẹp nhất đều hội tụ ở ông. Ông ấy không bao giờ nói về mình, lúc nào cũng “tôi có công gì đâu”, “đó là công lao của cả quân đội ta, của cả dân tộc ta”. Ông luôn một lòng theo Đảng. “Một lần sau ngày Giải phóng, trong cuộc họp quân chính có Chủ tịch Tôn Đức Thắng tham dự, ông Tùng rất khiêm tốn cho rằng mình cấp tá nên ngồi ở cuối cùng của hội trường.
Khi được mời lên để Bác Tôn hôn, Bùi Tùng lúc này mới từ tít cuối hội trường đi lên, mọi người ai cũng ngạc nhiên. Ông luôn cho rằng mình là cán bộ chính trị, thảo bản đầu hàng là hoàn thành nhiệm vụ, chứ công lao là của biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, là của cả dân tộc Việt Nam, ta thắng Mỹ bởi đó là cuộc chiến tranh nhân dân. Một con người có công lớn nhưng khiêm nhường như thế, thử hỏi làm sao chúng ta không yêu thương, quý trọng?”.
![]() |
Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng ôm hôn Chính ủy Bùi Tùng (ảnh trích từ Phim tài liệu “Chuyện kể anh Bộ đội cụ Hồ” của đạo diễn Việt Tùng) |
Phạm Việt Tùng luôn đau đáu mong muốn Đại tá Bùi Văn Tùng được phong một danh hiệu chính thức. Bởi đất nước ta luôn công bằng. Những người như ông Bùi Quang Thận, ông Phạm Xuân Thệ đều đã được phong danh hiệu Anh hùng, thì người thảo ra 2 văn kiện lịch sử ngắn gọn, đanh thép, quan trọng (văn kiện Tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy và văn kiện Quân Giải phóng tiếp nhận đầu hàng) cho việc chuyển giao chế độ, chấm dứt chiến tranh như thế, thực sự xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT!
Đại tá Bùi Tùng giờ đây đã ngoài 90, người ngồi xe lăn, miệng nói không rõ, ăn phải bón. Dẫu biết ông chẳng ham muốn gì danh lợi, nhưng ông xứng đáng được phong danh hiệu cao quý. Có như vậy thì mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc hòa chung một niềm vui, chính con cháu ông, đồng đội của ông cũng thấy tự hào, và quan trọng là tạo niềm tin cho thế hệ trẻ.
Những người anh hùng như Đại tá Bùi Văn Tùng sẽ mãi lưu danh sử sách, được các thế hệ sau biết đến và ghi ơn!
Thu Hằng-Thùy Trang
Trở thành người bình luận đầu tiên