img-4654-1711182655-1711190274.jpeg
Lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng năm 2024.

Sức hút đặc biệt của du lịch làng nghề

Lễ hội truyền thống của làng gốm Bát Tràng không chỉ là một dịp để tôn vinh di sản văn hóa độc đáo mà còn là một điểm nhấn về sự phát triển của ngành du lịch trong khu vực.

Bát Tràng, qua những giai đoạn phát triển, đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ sự sáng tạo trong sản phẩm và trải nghiệm du lịch. Lễ hội truyền thống tại làng cổ Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo, là niềm tự hào của người dân Bát Tràng với nghề gốm truyền thống từ cha ông. Từ lúc sáng sớm, du khách đã đổ về làng Bát Tràng. Từ lễ rước nước, lễ Tam Sinh, đến lễ rước kiệu quanh làng hay các hoạt động chúc mừng từ các làng khác, những nghi lễ này thu hút rất đông du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Ông Gavin từ Australia chia sẻ: "Tôi đến thăm làng gốm và thực sự ấn tượng với lễ hội hôm nay. Từ những màu sắc rực rỡ đến các trang phục độc đáo đều vô cùng hấp dẫn."

Bà Robyn, cũng từ Australia, phát biểu: "Thật là một may mắn đặc biệt khi được tham dự lễ hội này. Chúng tôi đều thích thú với sự kiện hôm nay. Mọi thứ đều mới lạ và thu hút."

Việc biến các di sản văn hóa như lễ hội thành sản phẩm du lịch là một hướng đi quan trọng của làng gốm Bát Tràng trong những năm gần đây. Sự công nhận "điểm du lịch của thủ đô" vào năm 2019 đã tăng gấp đôi lượng khách du lịch, kích thích sự phát triển của nhiều sản phẩm du lịch và không gian trải nghiệm văn hóa. Việc quảng bá hình ảnh làng nghề như một điểm đến du lịch hấp dẫn được triển khai bài bản. Các doanh nghiệp sản xuất gốm truyền thống cũng đã bắt đầu hướng tới phát triển du lịch.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) khẳng định: "Chúng tôi luôn luôn quan tâm đến vấn đề truyền thông và từ vấn đề truyền thông, du khách không chỉ trong địa phương mà ngoài địa phương, các tỉnh cũng nắm được thông tin liên quan đến lễ hội của Bát Tràng và đặc biệt là các cái hoạt động của Bát Tràng. Trong thời gian tới, các cái hoạt động về du lịch của Bát Tràng sẽ được đẩy mạnh và đặc biệt là các hạ tầng cơ sở phục vụ cho du lịch cũng sẽ được nâng cao hơn."

Ông Nguyễn Trung Thành, Tổng giám đốc trung tâm Ngàn năm gốm Việt cho biết: "Tại Bát Tràng cũng đang có một sự dịch chuyển rất lớn. Đó là những cơ sở sản xuất truyền thống, những doanh nghiệp hoạt động truyền thống. Họ bắt đầu đưa tư duy du lịch vào trong quá trình sản xuất, đặc biệt là bắt đầu đóng gói sản phẩm, các không gian trưng bày, cảnh quan, hướng dẫn viên, xe điện và đặc biệt đã có những mô hình chuyên nghiệp như homestay, dịch vụ ăn ở, và có hướng dẫn viên thuyết minh."

Đơn cử, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt - một không gian du lịch trải nghiệm độc đáo của Bát Tràng đã trở thành mô hình điểm về sự thành công khi kết hợp du lịch với làng nghề truyền thống. 

9cad1514989734c96d86-1710841608.jpg
NSƯT Hương Giang thăm quan Trung tâm Ngàn năm gốm Việt

Vẫn còn đó nhiều thách thức

Tuy nhiên, để du lịch làng nghề phát triển mạnh mẽ, cần có kế hoạch và quy hoạch địa phương rõ ràng.

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 5400 làng nghề. Số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc. Cùng với đó là những giá trị về cảnh quan, thiên nhiên, kiến trúc, di sản, mang đến tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để biến những tài nguyên này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn vẫn là bài toán hóc búa khiến nhiều làng nghề loay hoay.

Vấn đề về cơ sở hạ tầng và quản lý vẫn còn là thách thức đối với nhiều làng nghề. Hầu hết các làng nghề đều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng ở các khu vực làng nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại tham quan và lưu trú của khách du lịch, chưa tận dụng được những lợi thế sẵn có. Đơn cử như xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, nơi mặc dù đã trở thành điểm đến mới quen thuộc của du khách với làng nghề trồng đào phai và đa dạng các loại cây trồng, con nuôi đặc sản, nhưng vẫn đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển du lịch, phát huy hiệu quả du lịch làng nghề. 

Ông Trịnh Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông sản và Du lịch TP. Tam Điệp cho biết: "Trong nghiệp vụ, xây dựng sản phẩm cụ thể cho vùng đấy đôi khi còn chưa đồng bộ. Ban chủ nhiệm cũng đã trao đổi và đi tham quan nhiều lần để tìm ra phương án."

Cần những giải pháp thực tế, đồng bộ

Để du lịch làng nghề thực sự phát huy thế mạnh và thu hút du khách trong và ngoài nước, các công ty lữ hành cần tăng cường kết hợp với các địa phương. Đặc biệt là với các nghệ nhân để xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề đa dạng và hấp dẫn hơn.

Ông Hoàng Bình Minh, Chi Hội trưởng chi hội Lữ hành Ninh bình nói: "Chúng tôi cũng đã tập trung vào rà soát, kiểm tra và tìm hiểu thêm về các sản phẩm làng nghề truyền thống. Sau đó, có các buổi hội thảo tọa đàm với các chuyên gia làng nghề. Sau đó, chúng tôi sẽ xây dựng thành các sản phẩm và hiện nay thì chúng tôi đang chào bán các sản phẩm này cho du khách ở trong nước và quốc tế."

Trong giai đoạn 2021-2030 Ninh Bình đặt mục tiêu triển khai 04 điểm làng nghề phục vụ du lịch với vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng/làng nghề. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy hơn nữa việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử gắn với du lịch của mỗi địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch nào để thu hút khách du lịch và níu chân du khách nhiều lần cũng sẽ là bài toán đồng thời được đặt ra với nhiều địa phương.

Ông Vũ Anh Dân, Giám đốc TT Tư vấn phát triển Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội: "Đầu tiên, một điểm du lịch muốn phát triển được cần có một tổ chức quản lý điểm đến du lịch. Và ở quốc tế thì đây cũng là một hoạt động rất phổ biến. Bởi vì nếu chúng ta để cho các làng nghề tự mình tiếp thị và tự mình gắn kết với du lịch thì nó sẽ hơi khó. Chúng ta cần một nhạc trưởng để điều phối chung. Thứ hai, chúng ta cần phải có một cơ chế để khuyến khích việc phát triển du lịch. Bởi vì thông thường nếu chúng ta muốn khách đến với một làng nghề thì cần phải có hoạt động cho khách du lịch ở đủ lâu. Họ không chỉ tham quan mà còn phải nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và điều đó gắn với việc quy hoạch phát triển, đảm bảo rằng ở một khu làng du lịch chúng ta sẽ có nơi phát triển cho các dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú và các dịch vụ giải trí khác."

Nhắc đến du lịch làng nghề không thể bỏ qua câu chuyện thành công của du lịch Thái Lan với mô hình mỗi làng nghề một sản phẩm mà Việt Nam cũng đang hướng đến. Hiện nay, Thái Lan có khoảng 70.000 làng nghề truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị cao và tạo sức hút cho du lịch với mô hình mỗi làng một sản phẩm. Việc phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn nghề truyền thống và tạo ra sản phẩm độc đáo đã giúp Thái Lan thu hút hàng triệu du khách và mang lại nguồn thu nhập lớn cho địa phương.

433230586-1364480694271143-4710764561864850407-n-125223-1711389349.jpg
Sản phẩm gốm sứ làng nghề truyền thống Lampang.

Điển hình như làng nghề gốm sứ truyền thống Lampang với lịch sử hàng trăm năm. Sau gần hai thập niên thực hiện mô hình trên, hiện Lampang có trên 200 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, cung cấp hàng triệu sản phẩm xuất khẩu mỗi tháng, mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ngoài ra với chủ trương phát triển du lịch kết hợp với phát huy nghề gốm xứ truyền thống, làng nghề ở miền núi phía Bắc Thái Lan này đã thu hút tới hơn 500.000 khách tham quan mỗi ngày.

Để triển khai tốt ý tưởng "Mỗi làng một sản phẩm", chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban OTOP quốc gia do Thủ tướng đứng đầu với các Bộ ngành có liên quan. Năm 2019, chỉ tính riêng nguồn thu từ buôn bán các mặt hàng OTOP "mỗi làng một sản phẩm" qua các kênh như hội chợ, trang web trực tuyến, cửa hàng và lễ hội nước ngoài đã lên đến hơn 6 triệu đô la Mỹ. Chính hoạt động du lịch làng nghề góp phần bảo tồn nghề truyền thống, nâng cao giá trị hàng hóa địa phương, đặc biệt là mở rộng trải nghiệm cho du khách với hành trình khám phá quy trình sản xuất sản phẩm, giao lưu với nghệ nhân và thử sức tự tay tạo ra sản phẩm, xây dựng thành công chính sách và quy hoạch tốt đã giúp Thái Lan khai thác hiệu quả hoạt động du lịch tại các làng nghề.

Phát triển làng nghề thành điểm trung tâm du lịch là cách để phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm tốt nhất. Để thành công, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Cơ quan chức năng cần cải thiện quy hoạch làng nghề theo hướng đa dạng hóa ngành nghề nhưng phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng, bản sắc khác biệt. Các làng nghề cần đẩy mạnh quảng bá xuất tiến thương mại và du lịch, định vị thương hiệu làng nghề chuẩn, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ, bảo vệ môi trường và môi trường du lịch, đảm bảo du khách có trải nghiệm thú vị và đầy đủ, cảm nhận được những nét đẹp khi đến thăm làng nghề.