Làng gốm sứ Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Bao đời nay, Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, địa chỉ hàng hóa được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Gốm Bát Tràng nổi tiếng với các loại hình sản phẩm phổ biến như: gốm tâm linh thờ cúng, gốm mĩ thuật trang trí, gốm gia dụng và gốm xây dựng… không những giúp nâng cao đời sống kinh tế cho bà con mà còn lưu giữ và lan truyền nét đẹp truyền thống.

8db8887e22fd8ea3d7ec-1710839745.jpg

Gốm Bát Tràng Hà Nội.

Trong ngày Hội làng Bát Tràng kéo dài từ ngày 23-25/03 (tức ngày 14-16/02 Âm lịch), người dân sẽ được chiêm ngưỡng và thực hành những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Cụ thể là các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng; những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo…của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi. Được phép của các cơ quan quản lí Nhà nước, các hoạt động sẽ được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc Tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, và trọng tâm là Đình làng Bát Tràng.

9a917629d9aa75f42cbb-1710841528.jpg
Thư mời tham gia Hội làng Bát tràng.

Lễ hội sẽ diễn ra với các hoạt động chính:

Khai hội vào 9 giờ sáng ngày 14/02, dân làng sẽ dâng lễ Tam sinh (Trâu, Dê, Lợn ), sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy, thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ, dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương. Vào khoảng 10 giờ, mọi người sẽ tập trung tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long để thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công thương; đồng thời, ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng. Đúng 11 giờ hai đoàn rước thủy bộ tập kết về Đình dâng lễ Tế Thánh.

Trong ngày 15/02, các tổ chức doanh nghiêp và cộng đồng dân cư, quý khách có thể dâng lễ từ 8 giờ và thụ lộc vào 11 giờ 30 cùng ngày.

e493f9dc565ffa01a34e-1710841130.jpg

Trải nghiệm của các thí sinh hoa hậu du lịch thế giới tại Bát Tràng.

9cad1514989734c96d86-1710841608.jpg
NSƯT Hương Giang tham quan triển lãm của Trung tâm Ngàn năm Gốm Việt, Bát Tràng.

Vào ngày 16/02 Âm lịch sẽ diễn ra lễ tạ; sau đó 8 giờ tối sẽ thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà kính cáo trời đất thủy thần, đánh dấu lễ hội làng Bát Tràng đã tổ chức thành công.

Đồng thời trong 3 ngày lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu thể thao, chơi trò chơi dân gian, giao hiếu với các làng và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng. Thông qua Hội xuân truyền thống làng gốm, dân làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa” “Quốc thái dân an”,“ Dân sinh an lành hạnh phúc “ Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”…, thể hiện sự tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại và gửi gắm những ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Hội làng cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc Thánh Thần, Thành hoàng Làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục người dân truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp văn minh.

5fd15817f2945eca0785-1710841351.jpg

Sản phẩm gốm sứ thấu quang của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Danh Tú được ứng dụng vào các sản phẩm gốm với họa tiết tinh xảo, đẹp mắt.