Mục tiêu chung của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 là đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc:  Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý quanh năm; Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 02 tuổi; Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Nhiệm vụ của Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2015 gồm 68 nội dung, trong đó: 52 nội dung đang được thực hiện; 16 nội dung cần được xây dựng mới (Bộ Y tế 07, Bộ Nông nghiệp và PTNT 05, Bộ Công thương 01, Bộ Thông tin truyền thông 02, Bộ Kế hoạch và đầu tư 01).

Theo ý kiến của Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh tại Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” giai đoạn 2018 - 2021 và xin ý kiến về kế hoạch triển khai Chương trình đến năm 2025, trong giai đoạn 2018 - 2021, qua hơn 3 năm thực hiện, nhìn chung với 52 nhiệm vụ lồng ghép và 16 nhiệm vụ xây dựng mới của các bộ, ngành và các địa phương đã được tích cực triển khai. Đối với 16 nhiệm vụ xây dựng mới, Bộ NN&PTNT đã lập kế hoạch cấp xã và tổng hợp ở các cấp về xây  dựng mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng tại 26 xã, đạt kế hoạch đề ra; đồng thời đã xây dựng mô hình điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tại 18 tỉnh với 24 dự án, gồm: 16 dự án từ nguồn vốn của Bộ NN&PTNT và 8 dự án từ nguồn vốn của địa phương. Trong 3 năm (2019 - 2021), Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ tổ chức 29 lớp tập huấn cho cán bộ, tổ chức 22 lớp tập huấn với 845 học viên cho người dân tại 17 tỉnh…

hoi-nghi-1669375339.jpg

Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh phát biểu tại Hội nghị ngày 24/11 vừa qua

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho rằng, thông qua Chương trình "Không còn nạn đói" giai đoạn 2018 - 2021 đã góp phần rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội về mô hình giảm nghèo bền vững, về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân gắn với vấn đề phát triển toàn diện con người, trong đó nhấn mạnh việc an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững.

Việc lồng ghép trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như Xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, tạo cơ hội tiếp cận công bằng về lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục. Đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em..

hoi-nghi-1-1669375309.jpg

Các đại biểu, các chuyên gia cũng đã phân tích, đánh giá và làm rõ một số mặt tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình "Không còn nạn đói"

Các đại biểu, các chuyên gia cũng đã phân tích, đánh giá và làm rõ một số mặt tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình. Trong đó, nhấn mạnh việc nhận thức chung của nhiều cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương chưa thật đầy đủ, nên việc tích cực triển khai Chương trình còn hạn chế. Việc triển khai ở các tỉnh còn rất nhiều khó khăn, do hầu hết các tỉnh giai đoạn đầu chưa nắm bắt được cách thức triển khai Chương trình, nhiều tỉnh chưa chủ động, chưa xây dựng được Chương trình cho tỉnh mình. Với những tỉnh đã xây dựng và ban hành được Chương trình thì một số còn chưa xác định rõ ràng nội dung cần thực hiện. Công tác tuyên truyền mới chủ yếu được thực hiện ở các hoạt động triển khai nhiệm vụ ở cấp Trung ương nên chưa được sâu rộng tới người dân...

Sáng ngày 24/11/2022, tại Thái Nguyên, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” giai đoạn 2018 - 2021 và xin ý kiến về kế hoạch triển khai Chương trình đến năm 2025. Đến dự có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn; PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên; Đại diện một số tổ chức Quốc tế tài trợ cho Chương trình; Đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn các tỉnh/thành phố từ Thanh Hoá trở ra và các địa phương triển khai mô hình tại khu vực miền núi phía Bắc, cùng các chuyên gia, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí về dự và đưa tin.