Ngoài việc trú trọng phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, HTX Tâm An còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ

“Đánh thức” tiềm năng vùng đất trũng

HTX Tâm An được biết đến là một trong số rất ít đơn vị ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội) chọn cây dược liệu để khai thác, kinh doanh và phát triển. Chỉ qua 3 năm hoạt động với những bước đi bài bản, đến nay, HTX trở thành một trong những đơn vị điển hình về sản xuất cây dược liệu và rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, HTX đã có một sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 4 sao của huyện Thường Tín.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng cây dược liệu, chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1990) Giám đốc HTX Tâm An cho biết: "Nhận thấy vùng quê Khánh Hà có tiềm năng trồng và phát triển cây dược liệu, cộng với nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước rất lớn nên tháng 7/2017, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định thành lập HTX Tâm An".

Mục tiêu ban đầu của HTX là tạo vùng nguyên liệu cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại trà và mỹ phẩm từ thảo dược. Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, chị Thu đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu trước rồi cùng 6 thành viên khác của HTX góp đất, chung vốn mua cây giống và canh tác các loại thảo dược để cung cấp cho doanh nghiệp.

Theo chị Nguyễn Thị Thu, nguồn cây dược liệu của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, mỗi loại có giá trị kinh tế và thế mạnh riêng. Khởi đầu mô hình trồng dược liệu, chị Thu chọn những loại cây quen thuộc như: Đinh lăng, chùm ngây, cà gai leo… để trồng. Chị cho hay, đây là những loại cây dễ trồng, chăm sóc đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao. Với những mô hình dược liệu mới hình thành, nguồn vốn còn hạn hẹp thì những loại cây này khá phù hợp…

Chị Thu tâm sự: “Ban đầu, dược liệu được trồng và bán thô cho các công ty dược tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lấy ngắn nuôi dài, sau khi tích lũy được nguồn vốn, HTX Tâm An đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như: Trà chùm ngây, trà cà gai leo (trị bệnh) và một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu…

Những sản phẩm dược liệu ban đầu được đăng ký và xây dựng thương hiệu với tên “Tâm An”. Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart… Nhờ có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đến nay các thành viên HTX đã không phải lo lắng tìm kiếm đầu ra cho vùng nguyên liệu”.

Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart…

Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart…

Nói về mô hình trồng cây dược liệu của HTX Tâm An, ông Đinh Văn Khang, Trưởng thôn Khánh Vân (xã Khánh Hà) cho biết: Hơn 1ha canh tác cây thảo dược hiện nay của HTX từng là vùng đất trũng thấp, năng suất trồng lúa kém hiệu quả. Một số diện tích thậm chí còn bị bà con bỏ không. Tuy nhiên, khi có dự án canh tác thảo dược của HTX Tâm An, diện tích đất trên đã được cải tạo, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thúc đẩy sản xuất hữu cơ

Nhìn lại quá trình phát triển của HTX Tâm An, chị Nguyễn Thị Thu cho biết, kết quả bước đầu có được một phần quan trọng đến từ sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Liên minh HTX thành phố Hà Nội.

Trong suốt thời gian qua, Liên minh HTX thành phố đã theo sát, giúp đỡ HTX Tâm An, nhất là trong khâu xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm... Thông qua Liên minh, HTX Tâm An đã có cơ hội tham gia nhiều hội chợ, triển lãm các mặt hàng nông sản tại Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ có nhiều đối tác quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác mà kênh tiêu thụ các sản phẩm từ thảo dược mang nhãn hiệu “Tâm An” của HTX và doanh nghiệp liên kết cũng được mở rộng.

Bên cạnh cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đóng gói trà, mỹ phẩm thảo dược, thời gian qua, HTX Tâm An cũng đẩy mạnh phát triển mô hình rau hữu cơ. Dù sản lượng vẫn còn khá hạn chế nhưng nông sản hữu cơ của HTX hiện cho giá trị cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại được canh tác theo phương thức truyền thống.

Theo thống kê của HTX, từ gần 5 sào trồng rau, củ theo mùa vụ, trung bình thu nhập đạt khoảng 3,8 triệu đồng/sào/vụ, đến nay HTX Tâm An đã mở rộng diện tích gieo trồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Thu cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có tiềm năng giá trị rất lớn. Đây cũng là định hướng mà HTX Tâm An đang nỗ lực theo đuổi.

Nói về hiệu quả mô hình sản xuất của HTX Tâm An, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành nhận xét: Sản xuất dược liệu và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung. Mô hình của Tâm An không chỉ giúp HTX và thành viên làm giàu mà còn thể hiện rõ vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Đổi mới, phát huy vai trò các HTX cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương nâng cao chất lượng trong xây dựng Nông thôn mới...

Theo ông Nguyễn Trung Thành, trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ có sự vào cuộc hỗ trợ của Nhà nước thôi là chưa đủ, mà bản thân mỗi HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản phải chủ động và có ý thức vươn lên để tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mà các đối tác yêu cầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phải liên kết chuỗi và chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nhiều nước chứ không chỉ phụ thuộc vào chính thị trường trong nước. Nếu các HTX, doanh nghiệp cùng đồng hành với Nhà nước làm tốt việc này thì ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Dù đã có những bước đi ban đầu khá vững chắc, tuy nhiên, với một HTX còn khá trẻ như Tâm An thì trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Chính vì vậy, mong muốn của chị Nguyễn Thị Thu là các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ cho thành viên; hỗ trợ HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm mang nhãn hiệu Tâm An đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.