Sau cuộc triển lãm ảnh gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng yêu nghệ thuật của Thủ đô và bạn bè quốc tế, chúng tôi cùng một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống đã tới vườn cây cảnh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam tại xóm 3, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Mở cửa hồ hởi đón tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Hiện (nghệ danh Viethoicity), Giám đốc Trung tâm và Nghệ nhân Nguyễn Vân Quân (hay còn gọi là Quân Xốm), người tạo tác cây cảnh nghệ thuật của Trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Hiện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam bên tác phẩm Song Long Toạ Thạch
Tác phẩm Song Long Tọa Thạch, một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật quý được chủ nhân đặt ở vị trí trang trọng nhất khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông với hàng trăm cây cảnh nghệ thuật các loại đặc sắc mang phong cách của nhiều vùng miền trong cả nước. Từ sanh, si, đa, đề đến cần thăng, nguyệt quế...đều có cả. Chúng tôi những người yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha và nghệ thuật nhiếp ảnh lại có dịp cùng nhau bàn luận và có chung cảm nhận vẻ đẹp mê hồn của muôn hình dáng thế cây.
Đặc biệt, khi được trực tiếp mục sở thị tác phẩm Song Long Tọa Thạch ở cự ly rất cần, chúng tôi càng thấu cảm rõ các cung bậc cảm xúc của mình. Và điều này càng kích thích chúng tôi đi tìm câu chuyện phía sau tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo này.
Theo chia sẻ của chủ nhân và tìm hiểu của chúng tôi, tác phẩm Song Long Tọa Thạch thuộc dòng cây sanh (Ficus indica L.), là một loại cây cảnh có giá trị phong thủy, khoa học, thẩm mỹ, nghệ thuật được trồng khá phổ biến trên thế giới, nhất là các vùng ở Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào...Điều đáng nói ở đây, là tác phẩm Song Long Tọa Thạch thuộc dòng sanh Nam Điền có nguồn gốc từ làng Vị Khê (Điền Xá - Nam Trực - Nam Định). Đặc điểm nổi bật của loại cây sanh này, theo dân sành chơi cây cảnh tiết lộ lá là xanh quanh năm, sức sống ổn định, màu sắc của thân cây thay đổi theo thời gian, cây càng già da ngả màu đồng, thân cây phát nu cục và giữ dáng ổn định.
Điều đặc biệt là tác phẩm đẹp cả bốn mặt
Tác phẩm Song Long Tọa Thạch có niên đại khoảng trên 100 năm; cao 1,6 mét; tán dài 2 mét; tán rộng 1,8 mét; gồm 2 thân chính tạo dáng long thăng...được khởi nguồn tạo tác từ nhiều nghệ nhân tài hoa trong một gia đình có truyền thống làm nghề cây cảnh nghệ thuật tại làng cổ Vị Khê (Nam Định).
Đến đầu những năm 2000, tác phẩm trên đã được một người yêu cây cảnh nghệ thuật ở Xứ Thanh mua lại về tiếp tục tạo tác. Đến năm 2015, tác phẩm đã được các nghệ nhân Hà Thành mua đi bán lại để tiếp tục tạo tác. Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam được thành lập nhằm mục đích bảo tồn và phát triển những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật cổ của người Việt, tác phẩm đã được bà Nguyễn Thị Hiện sưu tầm và sở hữu. Tác phẩm trên đã được trực tiếp Nghệ nhân Quân Xốm khắc phục một số nhược điểm và tiếp tục tạo tác hoàn thiện như ngày nay.
Tác phẩm đã được giới thiệu trong cuộc triển lãm ảnh "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội"
Tác phẩm mang hình thái hai con rồng ngồi trên đá nên đã được chủ nhân đặt tên theo cổ tự là Song Long Tọa Thạch. Về tổng thể, theo đánh giá của nhiều người sành chơi cây cảnh nghệ thuật đấy Hà Thành, thì tác phẩm đã cơ bản đạt được những tiêu chí của một cây cảnh nghệ thuật đương đại quyện hòa với những niêm luật và lối chơi cây thế cổ của người Việt. Đó là sự hài hòa giữa ba yếu tố “Phô thân - Khoe dáng - Lộ căn” của tác phẩm tượng trưng cho “Thiên - Địa - Nhân hợp nhất”.
Quan niệm về “phô thân” đòi hỏi đã là một cây cảnh nghệ thuật được mọi người trân quý phải có đủ “cốt cách” rõ ràng, hợp quy luật, tỷ lệ…thể hiện ở sự mạnh lạc trong đường chạy của thân chính, cành, chi, dăm, sự hài hòa với những tán lá xanh tươi luôn vươn lên trên để “khoe” sắc hương và một bộ rễ khỏe khoắn với mâm rễ “lộ căn” ụ nổi đầy đặn phân đều các hướng luôn có xu hướng phát triển xuống dưới, bám xâu vào lòng đất thể hiện sự vững chãi trường tồn.
Cùng với đó, tác phẩm đã đạt được các tiêu chí “Cổ linh” mang nét đẹp của năm tháng phong sương cùng kết đọng những giai tầng văn hóa, những câu chuyện hay giai thoại về tác phẩm hài hòa trong vẻ đẹp “Tinh tú” vượt trội tạo được đẳng cấp riêng có. Vẻ đẹp của tác phẩm Song Long Tọa Thạch còn được toát lên từ những đường nét tỉ mẩn kỳ công của người tạo tác đã hàng ngày chăm chút cho tác phẩm từ cọng lá, đến bộ dăm tàn hoàn thiện:
Phô thân – Khoe dáng – Lộ căn
Cổ linh – Tinh tú – Kỹ dăm – Mịn tàn.
PHÔ THÂN: Đường chạy thân chính của tác phẩm Song Long Tọa Thạch rất mạch lạc rõ ràng thể hiện được ngôn ngữ tạo hình và ý đồ của người tạo tác muốn diễn tả hình thái “song long” với đầy đủ các bộ phận gốc, rễ, thân, cành, chi, dăm, lá tạo thành một chỉnh thể tác phẩm thống nhất. Đây là yếu tố “thân pháp” dễ quan sát và mang lại cảm xúc nhất đối với người thưởng lãm. Người cơi cây cảnh xưa và nay đều trọng đánh giá cây cảnh ở điểm này và coi đó là “thân thế”, “hồn cốt” của một tác phẩm.
KHOE DÁNG: Tác phẩm Song Long Tọa Thạch mang dáng trực xiêu tạo vẻ đẹp vừa mềm mại uyển chuyển như "rồng bay phượng múa", vừa biểu đạt được cái bao la tự nhiên. Cây được thu nhỏ vào trong chậu cạn để biểu thị những cảm xúc, ý đồ và thông điệp của người tạo tác là tạo ra đôi rồng bay xuống tọa lạc trên một gò đá vững chãi. Chính sự đối lập giữa gò đá, mâm bệ rễ của tác phẩm có yếu tố tĩnh với dáng cây mềm mại uyển chuyển mang tính động đã tạo ra sự tương giao giữa cây và đá “mộc thạch tương giao” tạo sự cuốn hút cho tác phẩm.
Bố cục tác phẩm cân đối hài hòa, đường chạy thân chính mạch lạc hấp dẫn
LỘ CĂN: Với những tỷ lệ hiện có, tác phẩm đã được thu nhỏ dần để đảm bảo bố cục hài hòa giữa các tay đòn và thân để tạo được bố cục “gốc bồ ngọn chỉ” tay cành tỷ lệ hài hòa, mâm rễ nở đều ra các hướng và “lộ căn” phù hợp với dáng thế cây là một yếu tố làm nên sự chỉnh thể của một tác phẩm có sức sống. Đây là yếu tố “gốc rễ” được ví như cội nguồn, tổ tông rất căn bản để gợi cảm về yếu tố không gian, thời gian hội tụ trong một tác phẩm.
CỔ LINH: Tác phẩm trải qua hơn 100 năm nên đã hình thành những nét cổ lão tự nhiên do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh chắc, dáng vẻ phong sương của năm tháng rất rõ ràng. Những dấu vết u sẹo trên thân cây cũng có thể do con người dùng kỹ thuật lão hóa tác động làm cây trở nên cổ. Điều đáng nói là yếu tố cổ đó đã được, nhiều thế hệ nghệ nhân nối tiếp tạo tác theo một chủ đề thống nhất hình thái “song long” từ trước nên tác phẩm có hồn, toát ra sự thần thái biểu lộ cảm xúc, sự lôi cuốn, hấp dẫn; là sức mạnh, sức sống giữ vai trò chủ đạo ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của cây mà qua đó con người có thế đọc được, hiểu được tình cảm, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của vật dù chúng có trìu tượng đến đâu.
Một tác phẩm độc đáo cuốn hút người xem
TINH TÚ: Như đã phân tích ở trên, tác phẩm Song Long Tọa Thạch có xuất phát từ làng cây cảnh nghệ thuật có truyền thống trên 800 năm và trải qua sự tạo tác của nhiều nghệ nhân tên tuổi từ đất Thành Nam, Xứ Thanh và Hà Thành nên đã tạo ra nét tinh xảo, tinh tường, tinh hoa...thể hiện sự khéo léo, chắt lọc đến tột cùng cả về mặt chất lẫn lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về ngôn ngữ tạo hình đến bố cục tác phẩm; là thông điệp văn hóa mà con người gửi gắm trong tác phẩm một cách kín đáo khéo léo...thể hiện sự thăng hoa trong cảm xúc kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật. Tú là sự quái kiệt thể hiện sự công phu, tài nghệ “xuất sắc” khác thường, vượt ra khỏi sự chân phương, khuân khổ vốn có của nó. Tú của cây cảnh nghệ thuật có thể là do con người dùng kỹ thuật tạo ra hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra.
KỸ DĂM: Cùng với sự giao thoa, tiếp biến và học hỏi có chọn lọc những phong cách tạo tác Bonsai đương đại của khu vực và thế giới, nghệ nhân Quân Xốm đã tạo ra sự cổ lão cho tác phẩm Song Long Tọa Thạch đồng bộ từ những chiếc rễ nổi cuồn cuộc trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn rụt ngắn lại. Kỹ dăm còn thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người nghệ nhân qua năm tháng. Nên chỉ cần nhìn vào độ kỹ của dăm cũng đã đủ để đánh giá sự trân trọng của chủ nhân đối với tác phẩm.
MỊN TÀN: Tàn của tác phẩm Song Long Tọa Thạch khắc họa thành những tản vân mờ ảo mềm mại theo các hướng để tôn nên vẻ đẹp của tổng thể tác phẩm. Tàn là độ xèo của cành, tán lá của cây được tạo hình thành những mảng khối tạo sự cân đối cho tác phẩm. Độ mịn của tàn chính là “y phục” điểm tô mang yếu tố chấm phá tạo những nét duyên dáng cho một tác phẩm thêm phần hoàn thiện. Vào mỗi mùa các nhau trong năm, sắc lá thay đổi những tàn mịn giúp cho tác phẩm luôn giữ được phong độ, đẳng cấp của một tác phẩm trường tồn còn mãi với thời gian.
Hoặc