Chia buồn với Nhà thơ Trần Đăng Khoa và gia quyến trước nỗi đau thương này, gợi nhớ trong tôi câu chuyện được Nhà thơ chia sẻ hơn 10 năm về những cảm xúc của bài thơ "Mẹ ốm".
Hôm đó, tôi cùng người bạn thân từ thủa nhỏ của nhà thơ Trần Đăng Khoa là Thượng tá Nguyễn Bá Pha đến thăm nhà thơ Trần Đăng Khoa tại trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa một lần bên mẹ
Vừa gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, Thượng tá Nguyễn Bá Pha giới thiệu: "Đây là thư đồng của bác Đỗ Phượng. Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng hoàn cảnh và tuổi thơ của nó chẳng khác chúng ta ngày xưa. Gia đình hoàn cảnh nhưng rất chịu khó lao động, học tập và đặc biệt rất thương yêu mẹ. Cũng có bài thơ viết về mẹ ốm như Khoa".
Thế là Nhà thơ đưa tay lên bắt tay tôi thể hiện sự đồng cảm và rơm rớm nước bắt đọc lại bài thơ Mẹ ốm của ông cho chúng tôi nghe:
Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…
Thể theo yêu cầu của tôi, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chia sẻ rõ hơn về nguồn gốc và cảm xúc khi viết bài thơ này.
Theo Nhà thơ chia sẻ, bài thơ "Mẹ ốm" được ông viết vào năm 1966 bằng ngôn ngữ chứa chan cảm xúc của những em bé dành cho người mẹ của mình trên cõi đời này (không riêng gì Nhà thơ Trần Đăng Khoa).
Mở đầu bài thơ là một câu kể rất ngây thơ của một em bé. Thật là hóm hỉnh khi em bé so sánh và cứ nghĩ người lớn cũng như mình "Mọi hôm mẹ thích vui chơi", nhưng "Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu".
Ở hai câu tiếp theo, tác giả lại gợi tả những ngày mẹ không ốm mẹ sẽ têm trầu, không để trầu khô. Và mẹ còn kể chuyện Truyện Kiều cho bé nghe. Hôm nay mẹ ốm nên mẹ gấp để Truyện Kiều lại.
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Ở khổ thơ tiếp theo, cậu bé đã thể hiện sự "già đời" của mình khi khái quát về nỗi khổ, sự hi sinh của những bậc sinh thành, những người làm cha làm mẹ thật xúc động:
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.
Ở khổ thơ kế tiếp, cậu bé Trần Đăng Khoa đã khắc họa những hình ảnh giản dị mộc mạc thể hiện tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm của mọi người xung quanh, là liều thuốc tinh thần động viên mẹ nhanh khỏi bệnh:
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào.
Hình dung cuộc đời mẹ là chuỗi ngày "đi gió đi sương" mà thương mẹ giờ phải "lần giường tập đi", mà cậu bé Khoa muốn làm tất cả những gì có thể để động viên giúp mẹ mau khỏi bệnh:
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo.
Thấy mẹ ốm, thương mẹ mà không có "phép màu" làm cho mẹ khỏi ngay được nên Khoa trách bản thân mình. Vì con mà mẹ khổ đủ điều, vì con mà trên mặt mẹ đã hiện bao nhiêu là nếp nhăng. Tất cả đều vì thương yêu con mình, muốn cho con có cái ăn cái mặc, có giấc ngủ say. Đây là những lời rất cảm động và thật lòng của cậu bé Khoa muốn bày tỏ với mẹ mình. Đó cũng là lời cảm ơn, đó là những tấm lòng của người con dành cho mẹ:
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.
Đọc đến câu cuối của bài thơ cho ta thấy sự khái quát hoá một cách rất cụ thể và chân thành về hình tượng người mẹ qua ánh mắt, nụ cười và tình cảm của thần đồng Trần Đăng Khoa dành cho người mẹ kính yêu của mình. Trần Đăng Khoa đã ví mẹ mình như đất nước điều này chứng tỏ được sự biết ơn dành cho mẹ mình:
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...!
Nghe đến đây, Thượng tá Nguyễn Bá Pha cũng không cầm được lòng xúc động và chia sẻ: Cụ Trần Thị Sen có 4 người con, trong đó có hai nhà thơ: Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa. Đặc biệt, từ nhỏ Trần Đăng Khoa đã được xưng tụng là thần đồng thơ. Năm 10 tuổi, Trần Đăng Khoa đã có tập thơ “Góc sân và khoảng trời” nổi tiếng khắp nơi. Ở những vần thơ đó, bao giờ cũng có bóng dáng người mẹ hiền của Khoa.
Hôm nay, báo tin thân mẫu của Trần Đăng Khoa qua đời, mà Đại tá Nguyễn Bá Pha vẫn không quên nhắc lại tình cảm thật sâu sắc lắng đọng trong tầm hồn một đời thơ, một đời người như Trần Đăng Khoa dành cho người mẹ yêu quý của mình. Ngay khi còn nhỏ, Nhà thơ đã có ước ao:
Mẹ ơi xin mẹ đừng già
Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi
Thế nhưng, làm sao tránh được quy luật của tạo hóa! Hôm nay nhà thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi 62 thì người mẹ đã “cưỡi thơ ra đồng” thanh thản và nhẹ nhàng!
Hoặc