Đọc “Búp sen xanh”…

Tác phẩm "Búp sen xanh" cũng như nhiều tác phẩm khác của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ không nhằm xây dựng một thần tượng trong dân nhân mà đi sâu miêu tả khắc họa cuộc sống dung dị đời thường rất đỗi chân thực về vị lãnh tụ sống mãi trong lòng dân “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu".

son-tung123-1627054409.jpg

Nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021)

Bút sen xanh là tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Sơn Tùng viết từ năm 1948 đến năm 1980 gồm ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Tác phẩm được viết theo dấu chân của cậu bé Côn từ thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách, lý tưởng và những hoài bão lớn lao vì nước vì dân. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc đang chìm trong lầm than của bóng đêm nô lệ.

Đúng như lời đề dẫn mở đầu cho tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”, "Búp sen xanh" cho thấy, được sinh ra và giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động, được truyền thống quê hương hun đúc, cậu bé Nguyễn Sinh Côn (cung), tự Tất Thành vốn thông minh ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước, để rồi về sau trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới.

Ở "Búp sen xanh" tác giả đã vượt qua những giới hạn của thể loại tiểu thuyết lịch sử vốn khô khan tập trung viết về nhân vật chính và sự kiện lịch sử có liên quan. Ở đây, tác giả bằng ngôn ngữ, văn phong mộc mạc nhưng thẫm đượm trữ tình đã tái hiện sinh động không gian sống văn hóa tinh thần phong phú của một làng quê Xứ Nghệ yên bình đã bồi đắp tâm hồn cao đẹp của cậu bè Côn. Ở đó có làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại, có khung dệt vải của mẹ, có lời dạy của cha, có lời ca của ông Xẩm, có chị Thanh anh Khiêm, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Ở đó có xứ Huế với dòng sông Hương lững lờ, kinh thành Huế cổ kính, trường Quốc học và cuộc sống nghèo khổ mang theo nỗi trăn trở tuổi trẻ về con người và về vận mệnh dân tộc. Ở đó có Bến Nhà Rồng với tiếng còi tàu nhọn hoắt khoan vào không gian nhức nhối, với gương mặt của người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt như một búp sen quê hương và dường như có cả khuôn mặt Việt Nam choán lấy trái tim đã thôi thúc anh sải chân vội vã xuống tàu mở đầu bôn ba năm châu bốn bể với lời hẹn thề chỉ quay về khi đã tìm được con đường cứu nước và giải phóng dân tộc.

Gần 40 năm kể từ ngày ra mắt (1982), đến nay tiểu thuyết “Búp sen xanh” liên tục được tái bản tới 30 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, một điều hiếm thấy nếu không muốn nói là duy nhất trong đời sống văn học Việt Nam. Đặc biệt, trong lần tái bản lần thứ hai vào năm 1983, tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã vinh dự được Thủ tưởng Phạm Văn Đồng viết lời tựa, trong đó có đoạn: “Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Về vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và tất cả chúng ta, cần suy nghĩ để có thái độ. Song, ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”. Điều đó, một lần nữa cho thấy, tiểu thuyết “Búp sen xanh” của Nhà văn Sơn Tùng cùng với sức sống và những giá trị lan tỏa của nó trong cộng đồng đã trở thành một món quà thiêng liêng của nhà văn nói riêng, của nhân dân ta nói chung kính dâng lên vị cha già dân tộc muôn vàn kính yêu của dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Nhớ nhà văn anh hùng Sơn Tùng

Đọc xong tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh” nhiều người sẽ băn khoăn tự hỏi, nhà văn Sơn Tùng là ai? Quê ở đâu? và ông lấy những nguồn từ liệu từ đâu?...mà có thể viết tỉ mỉ, chân thật và xúc động về tuổi thơ của Bác Hồ đến vậy?

anh-nxb-kim-dong-bup-sen-xanh-reviewsachonly-1627054724.jpg

Tiểu thuyết lịch sử "Búp sen xanh" góp phần khẳng định tên tuổi của Nhà văn Sơn Tùng

Theo lời kể của chính nhà văn và các tư liệu cho thấy, nhà văn Sơn Tùng sinh năm Mậu Thìn - 1928, tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học, yêu nước.

Năm 1944, 16 tuổi, ông hăng hái tham gia cách mạng. Từ năm 1948, ông đã có ý định tìm hiểu lai lịch Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột Bác Hồ) tại làng Chùa và làng Sen (huyện Nam Đàn), người thanh niên họ Bùi làng Kim đã ghi chép được nhiều tư liệu quý báu. Ở đó, nhà văn tương lai đã tạc dạ (theo lời kể của bà Thanh và ông Khiêm) điều cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy các con mình từ thuở ấu thơ: liêm sỉ và quốc sỉ là hai điều căn bản trong suy nghĩ và hành động của đời người.

Đầu năm 1955, về Hà Nội, ông vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng là đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Năm 1967, ông xung phong đi B. Dọc đường vào chiến trường, ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng liên quan đến đề tài về Bác Hồ.

Ngày 15/4/1971, tại căn cứ Tà Nốt ở chiến khu Đ (thuộc tỉnh Tây Ninh), khi Sơn Tùng cùng đồng đội đang chuẩn bị lên khuôn cho kỳ báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì bị máy bay Mỹ tấn công và ông bị thương rất nặng do mảnh đạn M79 găm khắp thân thể.

Dù là thương binh nặng với những vết thương trên thịt da, hòa bình lập lại, ông cùng người bạn đời của mình vẫn rong ruổi khắp các vùng miền của Tổ Quốc để tìm gặp những nhân chứng, sưu tầm những tài liệu và cả việc ghi chép lại những câu chuyện do chính Bác Hồ tâm sự với người có nhân duyên được hoạt động cách mạng hay giúp việc gần gũi bên Người như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cụ Cù Văn Chước, Nhà báo Đỗ Phượng...Đặc biệt, ông có nhân duyên được gặp trực tiếp nữ tu Lê Thị Huệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu là con quan, bạn bè của Bác thời ở Huế để dựng thành “Út Huệ” trong “Búp sen xanh”... 

Một trích đoạn trong Búp Sen Xanh

Từ năm 1974 tới những năm cuối đời, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện với một loạt tác phẩm nổi tiếng: Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Tùng: Bên khung cửa sổ (Nhà xuất bản Lao động, 1974); Nhớ nguồn (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1975); Con người và con đường (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1976); Trần Phú (Nhà xuất bản Thanh niên, 1980); Nguyễn Hữu Tiến (Nhà xuất bản Thanh niên, 1981); Búp sen xanh (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1982); Bông sen vàng (NXB. Đà Nẵng, 1990; NXB. Kim Đồng, 2016); Trái tim quả đất (Nhà xuất bản Thanh niên, 1990); Hoa râm bụt (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1990); Mẹ về (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1990); Vườn nắng (Nhà xuất bản Thanh niên, 1997); Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (NXB. Công an Nhân dân, 2005); Bác ở nơi đây (Nhà xuất bản Thanh niên, 2005); Chung một tình thương của Bác (NXB. Thông tấn, 2006); Lõm (Nhà xuất bản Thanh niên, 2006); Tấm chân dung Bác Hồ (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2013); Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng (NXB. Kim Đồng, 2015); Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (NXB. Kim Đồng, 2016)…

Với những cống hiến xuất sắc cho nền văn học nước nhà, cũng như cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, cách đây 10 năm, đúng vào ngày 22/07/2011, Nhà văn Sơn Tùng được Đảng và Nhà nước ta phong danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới Đất nước.

Thành kính tri ân viết đôi dòng cảm thức tưởng nhớ nhà báo, nhà văn Sơn Tùng anh hùng, người chiến sĩ văn hóa kiên trung, một lòng theo Đảng sắc son nghĩa tình luôn khắc ghi lời Bác dạy. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh, nguyện cầu ông yên giấc ngàn thu cùng tiên tổ và độ trì cho muôn người ở lại an lành. Vĩnh biệt ông! Sử sách còn ghi những dòng lắng đọng về con người tâm phúc như ông!